Hiện tượng nứt vỡ mảng tường ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông: BQL đường sắt lên tiếng

Liên quan đến những hình ảnh về các mối hàn hoen gỉ, các mảng tường bị vỡ, bị sứt là do đang thi công hoàn thiện, Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định các hạng mục phải đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng.
Hiện tượng nứt vỡ mảng tường ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông: BQL đường sắt lên tiếng - Ảnh 1.

Những mối nối hoen gỉ do đang trong quá trình thi công chưa hoàn thiện.

Trước thông tin về dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh  - Hà Đông sắp vận hành thương mại, nhưng một số hạng mục của dự án chưa được hoàn thành và có dấu hiệu bị xuống cấp, ngày 26/3, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định, tất cả các mục của dự án đều phải đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng.

Các đơn vị thi công của dự án đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục để đưa dự án vào khai thác trong thời gian tới.

"Hiện một vài nhà ga của dự án, các nhà thầu đang thi công nên một số hạng mục phụ như cầu thang cuốn, mái che cầu thang bộ chưa hoàn thiện nên khi quan sát có thể thấy hiện tượng tường bị vỡ, bị sứt...

Tuy nhiên, đây là các hạng mục đang được khoan cắt để thi công. Trong những ngày tới, Ban quản lý dự án sẽ yêu cầu Tổng thầu của dự án chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện các hạng mục này theo đúng tiêu chuẩn công trình", đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay.

Hiện tượng nứt vỡ mảng tường ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông: BQL đường sắt lên tiếng - Ảnh 2.

Phần vữa tường bị bong do ảnh hưởng của việc lắp ráp các thiết bị.

Đại diện đơn vị thi công của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết thêm, việc tường bị lở là do khoan nhồi ốc lở còn phần mái che không phải hoen gỉ mà đấy là các các mối hàn chưa được sơn phủ.

Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 26/3, nhiều đơn vị thi công đang tích cực làm việc tại các nhà ga dọc tuyến đường từ Nguyễn Trãi đến Cát Linh để đảm bảo tiến độ đưa dự án vận hành thương mại vào tháng Tư tới.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được chạy thử từ 20/9/2018. Tổng thầu Trung Quốc cũng đã đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý 1/2019 và chính thức đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4 năm nay.

Bộ Giao thông đang giao Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội rà soát các hạng mục, báo cáo Bộ GTVT để có quyết định chính thức.

Sau khi kết thúc chạy thử, dự án được đánh giá kết quả an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị độc lập của Pháp, sau đó là công đoạn nghiệm thu và bàn giao cho Tp. Hà Nội quản lý, khai thác thương mại. Giai đoạn đầu đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có thể cho người dân sử dụng miễn phí.

Hiện tượng nứt vỡ mảng tường ở nhà ga Cát Linh - Hà Đông: BQL đường sắt lên tiếng - Ảnh 3.

Hình ảnh bừa bộn ở một thang cuốn tại nhà ga.

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cho biết đã trình lên UBND Tp Hà Nội 2 phương án giá vé cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; trong đó ưu tiên phương án với bình quân hành khách đi 5 - 6 km, giá vé 10.000 đồng; nếu đi cự ly ngắn thì giá vé sẽ giảm còn đi cự ly dài hơn thì tăng thêm.

Ngày 15/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thị sát dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông và yêu cầu Tổng thầu cùng các đơn vị liên quan nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối cho hành khách

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao.

Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến tháng 4/2019 mới khai thác thương mại.

Thực hư vụ hạng mục kết nối của đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoen gỉ, xuống cấpThực hư vụ hạng mục kết nối của đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoen gỉ, xuống cấp Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông "không phải ngôi sao cô đơn"Tổng Giám đốc Metro Hà Nội: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'không phải ngôi sao cô đơn' Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn vướng gì trước ngày khai thác?Đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn vướng gì trước ngày khai thác?
chọn
Hình ảnh đường song hành Vành đai 4 dần thành hình đoạn qua Vinhomes Đan Phượng
Đường song hành Vành đai 4 – vùng Thủ đô đi qua huyện Đan Phượng với chiều dài 6 km, nhiều đoạn đã thảm nhựa, trong đó có đoạn đầu cầu Hồng Hà.