Hòa Bình muốn gọi vốn từ chào bán cổ phiếu, khẳng định các ngân hàng liên quan sẵn sàng tăng cho vay và tài trợ doanh nghiệp

Trước vấn đề siết tín dụng và trái phiếu BĐS, Tập đoàn Hòa Bình cho biết kế hoạch chào bán 74 triệu cổ phiếu với giá bán dự kiến cao hơn 40% thị giá HBC hiện nay. Đại diện Hòa Bình cũng khẳng định các ngân hàng có quan hệ tín dụng đều sẵn sàng tăng quy mô gói vay và tài trợ cho doanh nghiệp.

 Hình minh họa. (Ảnh: Hiền Minh).

Hòa Bình không lo siết trái phiếu, khẳng định các ngân hàng liên quan đều sẵn sàng tăng cho vay và tài trợ doanh nghiệp

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Bình (mã: HBC), liên quan đến việc cổ đông lo ngại các kênh huy động vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tín dụng và trái phiếu siết chặt, lãnh đạo Hòa Bình cho hay việc phát hành trái phiếu của tập đoàn là mới và được làm bài bản.

Cho tới nay, Hòa Bình đã có hai lần phát hành trái phiếu để huy động vốn. Cụ thể, vào ngày 14/1/2022 Hòa Bình đã công bố chào bán 500 trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/tp, giá trị phát hành là 500 tỷ đồng.

Ngày phát hành của lô trái phiếu này là ngày 30/12/2021, ngày hoàn tất là ngày 4/1/2022. Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành này sẽ được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động.

Lô trái trái phiếu thứ 2 được công ty phát hành thành công vào ngày 27/1/2022, đây là loại trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, có bảo lãnh thanh toán và không kèm chứng quyền, khối lượng 500 trái phiếu với thời hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/tp.

Theo đó, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để tăng quy mô vốn các hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; sửa chữa, lắp đặt máy móc thiết bị; kinh doanh bất động sản.

Chia sẻ về kế hoạch nguồn vốn thời gian tới, đại diện Tập đoàn Hòa Bình cho biết trong tháng 5 này sẽ ký hợp tác toàn diện với Ngân hàng BIDV để đồng hành tất cả các dự án của tập đoàn.

"Về các khoản vay trung dài hạn thì ngân hàng BIDV cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho Hòa Bình.Ngoài ra, tất cả ngân hàng mà Hòa Bình đang có các quan hệ tín dụng đều cam kết đồng hành và sẵn sàng tăng quy mô các gói tín dụng tài trợ vốn cho Hòa Bình để phát triển kinh doanh.", đại diện doanh nghiệp cho hay. 

Theo báo cáo tài chính quý I/2022 của Hòa Bình, ngoài BIDV, một số ngân hàng khác đang tài trợ vốn đáng kể cho doanh nghiệp như Maritime Bank, Vietcombank, VPBank, Techcombank. RiêngMaritime Bank đang cho Hòa Bình vay gần 1.250 tỷ đồng thông qua cấp tín dụng trực tiếp và trái phiếu.

Muốn huy động 2.400 tỷ từ chào bán cổ phiếu, có NĐT ngoại muốn mua với giá cao hơn 40% thị giá

Ngoài việc ký kết hợp tác toàn diện với ngân hàng, Tập đoàn Hòa Bình cũng đang lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn cho các kế hoạch trung và dài hạn.

Giá phát hành sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Tuy nhiên theo chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo doanh nghiệp, công ty dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phần.

Như vậy giá chào bán cổ phiếu dự kiến vào khoảng 32.000 đồng/cp. Đây là mức giá cao hơn đáng kể (hơn 40%) so với thị giá cổ phiếu HBC trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tài chính của công ty. Về thời gian triển khai dự kiến, năm 2022, 2023 hoặc sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCK nhà nước và các cơ quan có liên quan.

TheoChủ Tịch HĐQT Lê Viết Hải: "Hiện nay đã có 1 nhà đầu tư Nhật có thỏa thuận (MOU) trong việc mua cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 32.500 đồng/cp, số lượng 5 triệu cp. Một số nhà đầu tư trong nước (chủ đầu tư dự án) cũng muốn mua số lượng cao nhưng chúng tôi chưa có thỏa thuận điều kiện về giá, thời gian nắm giữ."

Bên cạnh đó, một số nhà thầu lớn trên thế giới cũng bày tỏ hợp tác với Hòa Bình để phát triển thị trường trong nước và cả đồng hành ở nước ngoài, ông Hải cho hay.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.