Cư dân chung cư HH Linh Đàm dùng nước từ xe bồn chở đến. (Ảnh: Cư dân HH Linh Đàm cung cấp)
Chiều 13/10, trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, cho biết sau khi có phản ánh về nước sinh hoạt do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) sản xuất cung cấp cho nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội "có mùi hóa chất nồng nặc", hôm thứ sáu (11/10) cán bộ của trung tâm này đã lấy mẫu nước để xét nghiệm.
Các mẫu được lấy tại 4 điểm: đầu nguồn nơi nước sông Đà đấu nối với hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho dân, lấy mẫu trực tiếp tại khu dân cư - nơi người dân phản ánh nước sinh hoạt có mùi khác lạ. Mỗi điểm lấy 2 - 3 mẫu nước, đem xét nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng (bao gồm chỉ tiêu hóa, lí và vi sinh vật). Dự kiến kết quả xét nghiệm sẽ có trong hôm nay (14.10), được chuyển đến Sở Xây dựng Hà Nội, là cơ quan quản lí về cung cấp nước sạch và cơ quan y tế chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng. Theo ông Cảm, sự cố về nước sinh hoạt như người dân phản ánh là chưa từng ghi nhận trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, hôm qua 13/10, ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, H.Hoài Đức… nước máy đã đỡ mùi hơn hôm trước nhưng người dân chưa dám dùng để ăn, uống. Tại khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, một số ban đại diện cư dân đã mua nước sạch từ nơi khác và chở bằng xe bồn về cho cư dân xách lên nhà để nấu ăn.
Theo các chuyên gia, ngoài việc sử dụng các nguồn nước khác, người dân cần xả bỏ nước dự trữ để nhận nước mới. Với nhà chung cư, cần xả hết số nước trong bể ngầm, thậm chí thay rửa bể để nhận nước mới.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, chia sẻ ông cũng phải dùng nước có mùi hóa chất mấy ngày qua. Đến chiều 13/10, mùi khét, hôi trong nước đã giảm, tuy nhiên ông Hồng không hài lòng với cách phản ứng của TP Hà Nội trong sự cố này.
“Gần 1 tuần, cả triệu người dân thủ đô lo lắng nhưng không thấy vai trò của cơ quan chức năng. Trong khi đây là lúc dân cần chính quyền và chính quyền thể hiện vai trò, vậy mà không thấy ai khuyến cáo người dân phải làm gì, có hạn chế dùng nước hay không”, ông Hồng nói và cho rằng: “Cách làm như hiện nay của Hà Nội là tắc trách, trì trệ với dân”.
“Không thể im lặng mãi thế này được, rất nguy hiểm. Trong tình huống khẩn cấp như vậy, cần mời Viện Hàn lâm khoa học VN vào cuộc vì họ có trình độ chuyên môn tốt, có thể đưa ra kết quả chính xác hơn, nhanh hơn. Trong thời gian chờ đợi kết quả thì TP Hà Nội phải có khuyến cáo để người dân yên tâm.
Tôi cho rằng, việc để cả triệu người dân dùng nước sinh hoạt không đảm bảo là có trách nhiệm của lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội. Không biết gia đình những cán bộ có trách nhiệm trong việc này có dùng phải nước nặng mùi hóa chất hay không?”, GS-TS Vũ Trọng Hồng nói.
Đô thị 21:30 | 25/10/2019
Nhà đất 21:07 | 25/10/2019
Đô thị 14:33 | 25/10/2019
Đô thị 06:29 | 25/10/2019
Đô thị 17:02 | 24/10/2019
Đô thị 08:49 | 24/10/2019
Đô thị 07:35 | 24/10/2019
Đô thị 07:23 | 24/10/2019