Hơn 20% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được mua bởi ngân hàng

Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong 36.876 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đã mua 7.410 tỉ đồng (20,1%) số này.

Số liệu trong Báo cáo Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 8 tháng đầu năm của Công ty Chứng khoán SSI cho biết doanh nghiệp bất động sản là nhóm chào bán nhiều trái phiếu nhất từ đầu năm đến nay.

Theo đó, đến cuối tháng 8, có tổng cộng 44/108 doanh nghiệp bất động sản chào bán trái phiếu với giá trị đạt 47.804 tỉ đồng, và 36.946 tỉ đồng trong số này được phát hành. Còn lại 10.858 tỉ đồng là lượng dư bán không có nhà đầu tư chào mua.

Ngân hàng gom hơn 20% lượng trái phiếu bất động sản phát hành

Cũng theo thống kê từ công ty chứng khoán này, trong số 36.876 tỉ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, riêng nhóm ngân hàng thương mại đã gom 7.410 tỉ (20,1%), cùng với đó là 3.250 tỉ trái phiếu (8,8%) được mua bởi các công ty chứng khoán (trong đó có nhiều công ty chứng khoán là công ty con của ngân hàng).

Hơn 20% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được mua bởi ngân hàng - Ảnh 1.

Ngân hàng và công ty con đang "ông" lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản từ đầu năm. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, 22.664 tỉ đồng (61,5%) lượng trái phiếu được mua nhưng chỉ có thông tin là do nhà đầu tư trong nước chi tiền.

Trong số các nhà băng chi tiền mua trái phiếu bất động sản thời gian qua, MBBank, Techcombank và PVCombank là 3 ngân hàng có giá trị mua lớn nhất, lần lượt đạt 1.710 tỉ đồng; 1.500 tỉ đồng1.300 tỉ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại như VPBank, MSB, SeABank, TPBank và OCB cũng đã mua hàng trăm tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản từ đầu năm.

Ở nhóm công ty chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNSC mua nhiều trái phiếu bất động sản nhất, với giá trị 1.300 tỉ đồng. Tiếp sau đó là Công ty Chứng khoán MB với 1.000 tỉ đồng, Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng đã mua 700 tỉ đồng trái phiếu từ các doanh nghiệp bất động sản…

Theo các chuyên gia tại SSI, ngoài bất động sản, các ngân hàng cũng mua 3.750 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác.

Căn cứ công bố thông tin của các doanh nghiệp, 9 ngân hàng đã mua tổng cộng 11.160 tỉ đồng, chiếm 9,6% lượng trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm.

Nhà băng mua nhiều nhất là MBBank với 3.770 tỉ đồng, PVCombank mua 1.900 tỉ, Techcombank mua 1.510 tỉ, MSB mua 1.150 tỉ đồng

Trong đó, MBBank mua trái phiếu của một số doanh nghiệp lớn như 550 tỉ đồng từ Công ty Địa ốc Phát Đạt; 500 tỉ từ Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương; 380 tỉ từ Công Bất động sản Vạn Phát; 180 tỉ PQC Convention, hạn từ 4-6 năm.

Techcombank cũng đã mua 1.500 tỉ trái phiếu của Công ty Cổ phần Dịch vụ NewCo hạn 1,5 năm; PVCombank mua 1.300 tỉ trái phiếu của Novaland với hạn 4 năm; hay VPBank mua 925 tỉ đồng trái phiếu của Công ty Bất động sản Du lịch Hoàng Trường với hạn 5 năm…

Ngoài ra, Công ty chứng khoán MB cũng đã mua nhiều lô trái phiếu trị giá hàng trăm tỉ đồng từ các doanh nghiệp bất động sản như Novaland, FLC hay Fecon với hạn từ 1-2 năm.

Hơn 20% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được mua bởi ngân hàng - Ảnh 2.

Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán tại 30/6 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà nhóm nhà băng này đang nắm giữ đạt gần 230.500 tỉ đồng, tăng 65.000 tỉ so với đầu năm.

Trong đó, một số ngân hàng tăng rất mạnh là Sacombank, Vietinbank, SHB và MBBank... Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất hiện nay vẫn là Techcombank với số dư là hơn 60.600 tỉ đồng.

Lãi suất trái phiếu bất động sản cao nhất thị trường

Theo SSI, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thậm chí, các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; và 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản theo Thông tư 36.

Trong tương lai, hệ số rủi ro này sẽ còn tăng cao hơn trong dự thảo thông tư thay thế đang được lấy ý kiến sửa đổi. Với độ rủi ro cao nên lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang thuộc nhóm cao nhất thị trường.

Theo đó, lãi suất trái phiếu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản phát hành từ đầu năm nay vào khoảng 10,01%/năm. Trong hàng chục nghìn tỉ trái phiếu được các doanh nghiệp bất động sản phát hành, khoảng 94,3% trái phiếu có lãi suất dưới 12%/năm.

Trong khi đó, có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 2.079 tỉ đồng có lãi suất trên 12%/năm. Trong đó, cao nhất là lô 200 tỉ đồng phát hành ngày 8/4 của Công ty Địa ốc Phát Đạt có lãi suất lên tới 14,45%/năm.

Hơn 20% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được mua bởi ngân hàng - Ảnh 3.

Ngoài ra, Phát Đạt cũng có 4/6 đợt phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất thị trường, 2 lô còn lại có lãi suất thấp hơn thì đều được các ngân hàng ôm trọn.

"Ngân hàng thương mại là trái chủ lớn rất đáng ngại"

Theo TS Bùi Quang Tín, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà các ngân hàng thương mại lại là trái chủ lớn rất đáng ngại.

Dù quy mô thị trường trái phiếu hiện nay vẫn ở mức nhỏ nên một số đợt phát hành với lãi suất lên tới 14,5%/năm chưa tác động nhiều đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, định hướng của NHNN là hạn chế và kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản.

Ngoài ra, trái phiếu với lãi suất lên tới 12-14%/năm, thì tỉ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới cân đối được. Theo ông Tín đây là tỉ suất sinh lời không dễ để các doanh nghiệp bất động sản đạt được trong tình hình thị trường hiện nay.

“Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Những kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn”, ông Tín cho hay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết khái niệm đầu tư trái phiếu hiện nay vẫn khá nhập nhằng. Theo vị này, nếu ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp không khác gì hoạt động cho vay chứ không phải đúng nghĩa của từ investment - đầu tư.

Trong đó, thay vì ngân hàng ký với doanh nghiệp một hợp đồng tín dụng thì mua trái phiếu của chính doanh nghiệp đó và nhận lãi suất định .

“Ở nước ngoài, lending và investment rất khác nhau, lending là cho vay để nhận lại lãi suất và trả tiền khi đến hạn. Còn để được gọi là investment thì phải là đầu tư lời ăn, lỗ chịu và người nhận tiền không có bổn phận trả lại tiền cho nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.

Theo các chuyên gia tại SSI, so với cho vay, trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn vì có thể bán lại cho các tổ chức, quĩ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán.

Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác.

Đây là nguyên nhân mà Ngân hàng Nhà nước đã phải ra văn bản yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn. Ngoài ra, cơ quan quản cho biết sẽ xử nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.