Họp báo Chính phủ thường kỳ: Tập trung vốn đầu tư công có trọng điểm tạo động lực phát triển liên vùng

Một trong những giải pháp giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công là tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho dự án liên kết vùng tạo không gian phát triển về kinh tế-xã hội các địa phương.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, cùng làm rõ về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả khi năm nay vốn đầu tư công được giao cho các địa phương lớn hơn nhiều so với năm 2022, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Một trong những giải pháp giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công là tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải và đặc biệt tập trung cho dự án liên kết vùng tạo không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội cho các địa phương, chẳng hạn như đường cao tốc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, kinh nghiệm từ năm 2022 cho thấy, để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động 6 tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc các Bộ, ngành đẩy nhanh giải ngân đối với số vốn được giao.

Cùng đó, các đơn vị chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt đến lựa chọn; tập trung tháo gỡ về thể chế và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu, nhất là đất cát san lấp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, đôn đốc thực hiện dự án của các nhà thầu để bảo đảm giải ngân đúng tiến độ; giải quyết vướng mắc đối với các dự án ODA.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ngay từ năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng ban hành 12 nghị quyết (3 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.

Các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp với tinh thần tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn", đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) là trên 541 nghìn tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Năm 2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ nặng nề hơn khi số vốn được giao theo kế hoạch trên 700 nghìn tỷ đồng cho các địa phương. Do đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và ngay từ đầu năm Chính phủ đã có hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết ngày 17/2/2023, vẫn còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án, bằng 15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 63.697 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 53.615 tỷ đồng.

Chỉ ra nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hàng năm của nhiều Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, có 33 Bộ, cơ quan Trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương; trong đó có Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện phân bổ (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023.

Cùng với đó, có 19 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương; trong đó có 4 địa phương là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk chưa thực hiện phân bổ (0%) chi tiết kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng quy định.

Đối với ngân sách Trung ương, một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); dự án quá thời gian bố trí vốn, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dự.

Đối với vốn ngân sách địa phương, các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chưa giao hết do vướng mắc liên quan đến đất đai, địa chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù, về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân từ đầu năm…; cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định.

Tuy nhiên, 56 Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân như dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư. Các trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.