HoREA: Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ là quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp ở đô thị

Theo HoREA, trước mắt gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tác động rất hạn chế đến người mua nhà ở xã hội.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. 

HoREA cho biết, từ năm 2016 đến nay, hàng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành quyết định lãi suất vay ưu đãi 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định lãi suất vay ưu đã 5%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV).

Trên thực tế, hầu hết người mua nhà ở xã hội chưa vay được tín dụng ưu đãi mà đã phải vay tín dụng thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm và mức lãi suất này đang là gánh nặng đối với người mua nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định trên, nên tính đến hết năm 2020 thì cả 4 ngân hàng này không được cấp bù lãi suất để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Riêng Ngân hàng chính sách xã hội đến nay cũng chỉ được phân bổ 2.163 tỷ đồng tái cấp vốn chỉ bằng 24% tổng nhu cầu vốn 9.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vừa ban hành, HoREA cho rằng về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Bởi lẽ nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí.

Đầu tiên, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm.

Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 05 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Theo HoREA, lãi suất vay 8,2%/năm là quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp ở đô thị. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Theo HoREA, trước mắt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; hoặc chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nhưng, đối với người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội thì tác động rất hạn chế.

Đầu tiên, lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tuy có thấp hơn một chút so với mức lãi suất 9%/năm mà người mua nhà ở xã hội đang vay hiện nay, nhưng mức lãi suất này vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập đô thị mua, thuê mua nhà ở xã hội.

"Lãi suất đến 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị. Như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc", HoREA cho biết.

Còn nhìn về phía chủ đầu tư, mức lãi suất 8,2%/năm lại khá phù hợp và có tác động tích cực, vì các chủ đầu tư do hiện nay phải vay với lãi suất rất cao (12 - 13%/năm), do đó khi giảm lãi suất xuống 8,7%/năm sẽ giúp kéo giảm giá thành, giá bán nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của các dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Tiếp đến là thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thời gian 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.