Người dùng điện thoại Huawei đang tự hỏi liệu Huawei có cơ hội lấy lại giấy phép sử dụng Android của Google hay không. Thì câu trả lời là cơ hội đó một lần nữa lại vừa tuột khỏi tay ông lớn công nghệ Trung Quốc.
Hôm nay (14/5) Tổng thống Trump đã gia hạn lệnh hành pháp kêu gọi bảo đảm thông tin quốc gia và dịch vụ viễn thông khỏi khác mối đe doạ, trong đó có Huawei.
Theo Reuters, lệnh cấm này vận dụng Đạo luật quyền lực kinh tế quốc tế khẩn cấp, cho phép tổng thống Mỹ có quyền ra quyết định điều chỉnh về thương mại, để đối phó với một tình huống khẩn cấp gây nguy hại cho nước Mỹ.
Theo thông báo phát đi, Tổng thống Trump khẳng định các doanh nghiệp Trung Quốc có trong danh sách đen về thương mại tiếp tục là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ.
Do vậy, tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành ngày 15/5/2019 vẫn phải tiếp tục có hiệu lực sau ngày 15/5/2020, và thi hành trong một năm tiếp theo.
Việc gia hạn lệnh cấm này cũng được áp dụng với một hãng công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE.
Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại viễn thông CTIA thì cho rằng Bộ Thương mại Mỹ nên cấp giấy phép dài hạn, vì giờ không phải là thời điểm hợp lí để gây khó cho các nhà cung cấp viễn thông, nhằm đảm bảo mạng lưới viễn thông toàn cầu.
Lần đầu tiên lệnh này được ban hành vào tháng 5/2019, cấm Huawei tiến hành kinh doanh với bất kì công ty nào có trụ sở tại Mỹ. Điều này bao gồm việc cấm điện thoại Huawei được phép sử dụng các dịch vụ Android của Google.
Lệnh cấm đã thúc đẩy gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, không phụ thuộc vào dịch vụ của Google. Và nó cũng đã tác động tiêu cực tới doanh số bán điện thoại thông minh của Huawei tại các thị trường ngoài Trung Quốc.
Trở lại vào tháng 3, Huawei thông báo dịch vụ HMS (Huawei Mobile Services) của hãng đã thay thế Google Play Services trên 400 triệu thiết bị, và thu hút hơn 1,3 triệu nhà phát triển ứng dụng.
Mặc dù tập đoàn công nghệ của ông Nhậm Chính Phi đã phát triển nhiều phần mềm thay thế các ứng dụng cốt lõi của Google như Gmail và Maps, nhưng trên thực tế người dùng các sản phẩm của Huawei rất khó có thể sống chung với nền tảng HMS, vốn không phổ biến.
Trong nhiều kịch bản, Huawei vẫn bị cấm sử dụng giấy phép Android chính thức, vì vậy các nhà quan sát cho rằng Huawei sẽ tiếp tục phát triển hệ sinh thái của riêng mình mà không có Google. Nhiều người cũng kì vọng vào một hệ điều hành có tên là Harmony OS, được đồn đoán là sẽ đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với Android trong tương lai.
Mới đây, trong việc mở rộng hệ sinh thái của mình, Huawei đã thành lập liên minh với 18 hãng xe Trung Quốc nhằm tăng tốc độ phát triển và ứng dụng thương mại các công nghệ 5G trong ngành công nghiệp ô tô.
Trước các lệnh cấm của Mỹ, Huawei cũng chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại trong đầu năm 2020. Theo đó, quý I/2020, Huawei đã đạt mức doanh thu 182,2 tỉ CNY, tương đương khoảng 25,7 tỉ USD, tăng 1,4% so với năm trước. Tuy nhiên, trong cùng kì năm 2019, Huawei đã báo cáo mức tăng trưởng tới 39%.
Biên lợi nhuận ròng của công ty trong quý I/2020 cũng ghi nhận giảm xuống còn 7,3%, so với mức 8% cùng thời điểm năm ngoái.
Mới đây Huawei đã ra mắt mẫu điện thoại đầu bảng mới nhất của mình là P40, tuy nhiên chiếc điện thoại không thể cài đặt đầy đủ các dịch vụ của Google. Do đó mặc dù được bán ra thị trường toàn cầu nhưng siêu phẩm này lại mất hút trên các bảng xếp hạng doanh số.