Huawei đã có thể tự sản xuất chipset trên tiến trình 7nm. (Ảnh: Android Authority).
Trong một bài đăng trên Weibo, người đứng đầu bộ phận điện thoại thông minh của Huawei, đã tiết lộ rằng Huawei Nova 5 sắp tới sẽ được trang bị một chipset hoàn toàn mới. Nhiều thông tin cho rằng con chip mới này được sản xuất trên tiến trình 7nm mới nhất.
Hiện tại, trên thế giới chỉ có hai con chip Snapdragon 855 của Qualcomm và Exynos 9820 của Samsung là được sản xuất với tiến trình 8nm. Nếu điều này trở thành hiện thực, Huawei sẽ là công ty đầu tiên trên thế giới sở hữu chipset 7nm.
He Gang, người cung cấp thông tin này, đã từ chối nói thêm về tên con chip mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, chip mới nhà Huawei sẽ có tên mã là Kirin 810. Nếu đúng, nó sẽ là con chip thay thế Kirin 710 được sử dụng nhiều trong các máy tầm trung của Huawei.
Theo một báo cáo khác, Huawei cũng sẽ sớm ra mắt con chip Kirin 985 đầu bảng của mình, cùng với mẫu Huawei Mate 30 vào cuối năm nay.
Về cơ bản, chipset được sản xuất trên tiến trình 7nm sẽ có kích thước bóng bán dẫn nhỏ hơn, số lượng lớn hơn, do đó tốc độ xử lí thông tin cũng nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn so với những con chip 10 nm như Snapdragon 845.
Trước đó, theo lệnh cấm của Chính phủ Mỹ, ARM đã chấm dứt hợp tác với Huawei. Nhiều người lo ngại rằng với việc không còn được phép sử dụng các kiến trúc ARM, Huawei sẽ không thể tiếp tục chế tạo chip, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất điện thoại của hãng sẽ bị đóng băng.
Hiện Huawei đang là nhà sản xuất điện thoại thông mình đứng thứ hai thế giới, với thị phần 17%, chỉ xếp sau Samsung với 21% thị phần. Ngoài ra, tập đoàn này còn được biết đến là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, việc sản xuất của Huawei phụ thuộc rất lớn vào nguồn linh kiện đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ các công ty Mỹ. Năm 2018, Huawei đã bỏ ra 11 tỉ đôla chỉ để mua chip, bán dẫn, linh kiện từ các tập đoàn công nghệ của Hoa Kì như Qualcomm, Intel,…
Hiện tại, kiến trúc ARM và giấy phép sử dụng kiến trúc ARM là "nguồn sống" của các công ty sản xuất chip tên tuổi như Qualcomm, Apple, ApplicationMicro, Broadcom, Marvell, Nvidia, Qualcomm, Samsung Electronics… thậm chí là Huawei.
Các công ty này hoặc là mua trực tiếp kiến trúc ARM do ARM Ltd sản xuất, sau đó tùy biến lại theo mục đích riêng của mình, hoặc là mua giấy phép sử dụng kiến trúc ARM để phát triển chip.