Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, năm 2021, Tiền Giang dự kiến huy động 3.703 tỷ đồng vốn đầu tư công; trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 2.973 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Từ nguồn vốn này, tỉnh dự kiến thực hiện 189 công trình trọng điểm thuộc các lĩnh vực: giáo dục – đào tạo và dạy nghề; y tế, dân số và gia đình; giao thông; nông nghiệp, thủy lợi và thủy sản; xây dựng nông thôn mới… bao gồm cả các công trình chuyển tiếp từ năm 2020.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã sớm phân bổ chi tiết cho các ngành, lĩnh vực và địa phương nhằm giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải... Các công trình chuyển tiếp cũng đang được triển khai thuận lợi, giải ngân vốn theo kế hoạch, giúp nhà thầu tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tiến độ thi công, sớm đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong sản xuất, đời sống.
Từ đầu năm đến nay, Tiền Giang đã giải ngân gần 998 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 27% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, riêng vốn từ ngân sách địa phương được 936,5 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch cả năm.
Để giải ngân vốn đầu tư công kịp thời và đạt 100%, UBND tỉnh yêu cầu, các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình chuyển tiếp; chú trọng thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng công trình trọng điểm phục vụ ra mắt huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình đã đăng ký…
Đối với công trình khởi công mới, chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tái định cư… nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân.
Cùng với việc tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, cần chú trọng khâu lựa chọn được đơn vị tư vấn, nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng...
Ngoài ra, Tiền Giang còn chú trọng công khai, minh bạch thông tin, thanh tra – kiểm tra và phát huy vai trò giám sát của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện đầu tư công; kiên quyết chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí nguồn vốn; phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm của tập thể, cá nhân trên lĩnh vực đầu tư công thông qua giám sát của cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng của dự án…