Kết quả kinh doanh của MobiFone ra sao trước sự cố lỗi mạng?

Kết quả kinh doanh của MobiFone chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, hoạt động cổ phần hoá Mobifone nhiều khả năng vẫn chưa thể thực hiện trong năm nay như Thủ tướng giao.

Mobifone hụt hơi trước đối thủ

Bức tranh chung của Mobifone những năm gần đây chứng kiến những bước lùi trong kinh doanh. Doanh thu hợp nhất giảm mạnh từ 39.494 tỉ đồng năm 2013 xuống 35.534 tỉ đồng năm 2019. Cũng trong giai đoạn này, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cũng giảm dần từ 7.200 tỉ đồng còn 6.191 tỉ đồng.

MobiFone .. - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của MobiFone (không có Báo cáo tài chính hợp nhất).

Mới đây, Mobifone tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ giảm sút trong 6 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, doanh thu thuần công ty mẹ nửa đầu năm đạt 12.069 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kì năm trước. Trong đó, doanh thu từ màng kinh doanh chính (mảng viễn thông) giảm 1.880 tỉ đồng, còn 11.072 tỉ đồng, doanh thu bán hàng (hoạt động bán thiết bị) cũng giảm từ 2.215 tỉ đồng xuống 997 tỉ đồng.

Mặc dù các loại chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp giảm đáng kể trong nửa đầu năm, lãi sau thuế của Mobifone vẫn giảm mạnh 38% so với cùng kì năm trước, về mức 1.310 tỉ đồng.

So với hai ông lớn viễn thông khác trong ngành là Viettel và VNPT, có thể thấy kết quả kinh doanh của MobiFone chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm, VNPT cho biết doanh thu thuần 24.202 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì năm 2019. Song, nhờ cắt giảm chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp nên tập đoàn thu về 2.882 tỉ đồng lãi ròng sau nửa đầu năm, tăng nhẹ so với con số 2.840 tỉ đồng cùng kì năm trước.

Với Viettel, đơn vị này ghi nhận 120.000 tỉ đồng tổng doanh thu, tăng 9% so với cùng kì năm trước. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng 57%, đạt 2.600 tỉ đồng. Nhờ thị trường nước ngoài tăng trưởng bứt phá, lợi nhuận trước thuế đạt 19.850 tỉ đồng, tương ứng thực hiện 110% kế hoạch 6 tháng và 49% kế hoạch cả năm.

Nguyên nhân MobiFone chưa thể "sống khỏe" như hai nhà mạng còn lại một phần do phụ thuộc lớn vào viễn thông di động, do đó khi hoạt động kinh doanh chính lao dốc, doanh nghiệp không thể đẩy mạnh các lĩnh vực khác để tối ưu hoạt động.

Trong văn bản gửi lên Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hồi đầu tháng 4, đại diện MobiFone cho biết diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cộng với nhu cầu tiêu dùng suy giảm mạnh ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty.

Năm 2020, ban lãnh đạo MobiFone đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 33.283 tỉ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến tăng 5% lên 5.092 tỉ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, MobiFone mới chỉ thực hiện 35% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lãnh đạo MobiFone cho biết sẽ tập trung kinh doanh các dịch vụ mũi nhọn, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm.

Cùng với đó, phát triển hệ sinh thái sản phẩm theo hướng tăng trải nghiệm của khách hàng, cải thiện doanh thu; đẩy mạnh đưa ra thị trường các dịch vụ mới thuộc nhóm có xu hướng phát triển mạnh như Fintech, thanh toán, IoT, quảng cáo trên di động, truyền hình OTT...

Tiến độ cổ phần hoá vẫn ì ạch 

Ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Tổng công ty viễn thông MobiFone là một trong những cái tên nằm trong danh sách này.

Đây không phải là lần đầu tiên việc cổ phần hoá nhà mạng Mobifone được nhắc đến. Thực tế, đề án cổ phần hoá nhà mạng đầu tiên của Việt Nam đã có cách đây hơn chục năm trước.

Năm 2005, sau khi hoàn tất bản hợp đồng đối tác liên doanh giữa VNPT và Comvik Thụy Điển kéo dài 10 năm (1995-2005), Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phải lên kế hoạch cổ phần hoá MobiFone.

Năm 2006, MobiFone đã chọn Credit Suisse làm đơn vị tư vấn cổ phần hoá để đưa ra mức chào bán cho cổ đông chiến lược và IPO vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, kể từ đây, thương vụ rơi vào bế tắc một cách khó hiểu.

Trong đó, một phần nguyên nhân sau này được một báo chí đăng tải cho rằng có liên quan đến việc VNPT không sẵn sàng để đơn vị kinh doanh chủ lực của mình MobiFone tuột khỏi tay mà không kèm theo các điều kiện nhất định.

Đã có rất nhiều đơn vị cả trong lẫn ngoài nước quan tâm đến MobiFone, thể hiện sự quan tâm lớn nhất đến cổ phần của MobiFone trong đó có tập đoàn Comvik đến từ Thuỵ Điển, tập đoàn này đã có quá trình 10 năm hợp tác và hỗ trự đưa Mobifone trở thành nhà mạng hàng đầu VN trong một thời gian dài.

Đến năm 2014, MobiFone chính thức được tách khỏi VNPT và tiến hành kế hoạch cổ phần hóa. Sau khi hay tin, vào tháng 8/2014, chủ tịch Comvik International Vietnam AB, ông M.A. Zaman có cuộc gặp bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư vào MobiFone và trở thành trở thành nhà đầu tư chiến lược của Mobifone.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tiếp cận của các tổ chức nước ngoài cùng lĩnh vực đều bị ngưng trệ. Đến đầu năm 2016, MobiFone bất ngờ công bố thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG với giá lên đến 8.889,8 tỉ đồng, thời điểm thực hiện diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2015.

Cho đến 2018, Chính phủ yêu cầu Mobifone sẽ phải hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2018 nhưng do một số vướng mắc trong mua bán sáp nhập doanh nghiệp và thực hiện một số kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến vụ án AVG nên việc hoàn thành cổ phần hóa chưa được thực hiện được.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cuối tháng 3/2018, Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, MobiFone vướng vụ AVG, nhiều người làm sai, bị kỉ luật, dẫn tới chậm trễ.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết tiến độ cổ phần hóa Mobifone hiện còn chậm so với mục tiêu đề ra. Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Mobifone hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. 

Như vậy, Mobifone nhiều khả năng vẫn chưa thể thực hiện cổ phần hóa trong năm nay theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của giới đầu tư, sức hút của Mobifone khó có thể còn nguyên vẹn như trước đây khi hoạt động kinh doanh ngày càng sa sút.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.