Phát hiện vi khuẩn lạ trên thịt tại Việt Nam | |
Khoảng 10% sản phẩm thuốc là giả hoặc không đạt chuẩn | |
Vi khuẩn kháng thuốc - đã có ‘thần dược’ sữa mẹ |
Kháng sinh có tăng nguy cơ gây hen suyễn và lệ thuộc thuốc?
Một số bà mẹ luôn hoang mang và đắn đo việc dùng kháng sinh cho con khi bị ốm, mặc dù đã cho con đi khám và được bác sĩ kê đơn cẩn thận. Lý do là họ đọc được trên mạng xã hội thông tin dùng kháng sinh gây tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ và quan điểm đã dùng kháng sinh thì sẽ lệ thuộc thuốc và không tạo được miễn dịch.
Khi đã được bác sĩ khám bệnh cẩn thận, hãy tuân thủ chỉ định dùng thuốc. |
Vậy thì đâu là sự thật? Theo tổ chức “Chiến lược xử trí và phòng ngừa Hen phế quản toàn cầu” có đưa ra lời khuyên đối với trẻ em là: "Không nên sử dụng kháng sinh phổ rộng trong những năm đầu đời của trẻ". Bởi vì người ta nghiên cứu thấy mối tương tác giữa người và vi sinh vật giúp phòng ngừa hen. Chẳng hạn, các bé sinh thường được phơi nhiễm với vi khuẩn qua đường âm đạo của mẹ thì ít bị hen hơn các bé sinh bằng phương pháp mổ. Tuy nhiên, chỉ cảnh báo đối với kháng sinh phổ rộng là những kháng sinh mạnh bao vây nhiều chủng vi khuẩn chứ không phải tất cả các loại kháng sinh. Khi dùng kháng sinh phổ rộng sẽ tiêu diệt không những vi khuẩn gây bệnh mà còn tiêu diệt hệ vi khuẩn có lợi nên dễ làm tăng nguy cơ bị hen. Còn việc dùng kháng sinh khi trẻ bị nhiễm khuẩn là cần thiết, nhưng cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và dùng kháng sinh đúng chỉ định, không nên tự mua thuốc tại các tiệm thuốc.
Phản ứng “thù địch” thái quá theo phong cách bài trừ kháng sinh, vô tình đã gieo vào đầu phụ huynh nhiều nỗi hoang mang và hiểu nhầm về việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Đồng ý rằng đa số bệnh ở trẻ là do virut và có thể tự hết mà không cần dùng thuốc. Đối với một số nhiễm khuẩn (do vi khuẩn) nhẹ thì hệ miễn dịch của cơ thể cũng có thể tự giải quyết mà không cần kháng sinh. Chẳng hạn một vết loét hay nhọt nhỏ trên da, viêm mũi họng thông thường do vi khuẩn thì chỉ cần vệ sinh sạch sẽ mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên với những nhiễm khuẩn nặng tại các cơ quan nội tạng thì kháng sinh là một cứu cánh, không thể và không nên đợi bệnh “tự khỏi” vì nguy cơ nặng nề hơn. Đối với những bệnh ban đầu là do virus, sau đó bị bội nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn sau sốt virut, thì việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc. Ở trẻ, sự chuyển biến bệnh là rất nhanh và có những biến chứng khó lường nếu không được điều trị một cách kịp thời.
Không có chuyện là đã sử dụng kháng sinh là từ lần sau phải lệ thuộc thuốc, cứ hễ có bệnh là phải kháng sinh mới khỏi. Cũng không có chuyện sử dụng kháng sinh lại làm cho trẻ không tạo được miễn dịch nữa. Trẻ chỉ không tạo được miễn dịch khi trẻ có bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát hay thứ phát mà thôi. Nếu dùng kháng sinh đúng thì không có kháng thuốc, lần sau bị nhiễm khuẩn vẫn có thể dùng lại kháng sinh đó bình thường.
Khi nào buộc phải dùng hạ sốt?
Tương tự như vậy, phản ứng thù địch thái quá với thuốc hạ sốt cũng gieo vào đầu nhiều phụ huynh những hiểu lầm: Hạ sốt thì không tạo được miễn dịch; Thuốc hạ sốt hại gan… Tôi đã gặp một số gia đình để con sốt cao mà vẫn kiên quyết không hạ sốt cho bé, khiến bé bị co giật…
Đồng ý rằng sốt là phản ứng có lợi của cơ thể, nhưng khi sốt thái quá sẽ gây hại cho cơ thể. Giống như amidan là cơ quan bảo vệ của cơ thể, nhưng khi nó bị viêm nhiều lần quá, trong các hốc chứa đầy vi khuẩn, to quá làm thở ngáy, khó nuốt, làm apxe… thì lúc đó nó gây hại và buộc phải cắt bỏ. Sốt cũng vậy, nếu một em bé khỏe mạnh bình thường chúng ta nên cho hạ sốt khi bé sốt từ 40 độ trở lên. Vì với nhiệt độ này sẽ gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể; Hoặc khi sốt dưới 40 độ nhưng cơn sốt làm bé không chịu được, với các biểu hiện lừ đừ, li bì, quấy khóc liên tục. Lúc này cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Còn đối với những trẻ có mắc bệnh nền như: bệnh tim, bệnh phổi mạn, bệnh não... chỉ định hạ sốt còn sớm hơn. Bạn thử tưởng tượng con bạn bị tim bệnh bẩm sinh, khi bé sốt 39 độ tim sẽ đập nhanh và mạnh thì tim của con bạn sẽ như thế nào? Lúc này, bé sẽ bị nguy cơ suy tim rất cao.
Thuốc hạ sốt có nhiều tác dụng phụ là đúng. Bởi vì thuốc nào cũng sẽ có tác dụng phụ, ngay cả thuốc bổ khi dùng quá liều. Đối với thuốc hạ sốt, sẽ gây độc khi dùng liều cao gấp 10 lần hoặc sử dụng trên nền một bé có bệnh gan sẵn. Do đó, phụ huynh không nên theo phong trào phản ứng thái quá với thuốc mà có thể gây hại cho chính con của mình. Cách bảo vệ sức khỏe cho con tốt nhất là nên dùng thuốc theo đúng chỉ định, trong bất kỳ trường hợp nào.
Tuyệt đối không sử dụng những loại thực phẩm này khi đang uống kháng sinh | |
4 cách phòng ngừa đề kháng kháng sinh |