Thị trường hàng không Việt Nam mới có thêm sự hiện diện của Vietstar Airlines (Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt).
Bên cạnh các tên tuổi quen thuộc là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways, thị trường hàng không Việt Nam mới có thêm sự hiện diện của Vietstar Airlines (Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt). Hãng này vừa được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate - AOC).
Vietstar Airlines không phải gương mặt xa lạ. Tính đến nay, hãng đã có 9 năm hoạt động. Đây là công ty do 3 cổ đông thành lập gồm: Công ty Hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân). Vốn điều lệ ban đầu là 400 tỉ đồng. Trong đó, Vietstar sở hữu 67% cổ phần, Công ty sửa chữa máy bay A41 nắm 25% cổ phần.
Ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vietstar, đã và đang giữ vai trò Tổng Giám đốc Vietstar Airlines.
Trước khi có giấy phép bay, Vietstar Airlines cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam. Về vận chuyển hành khách, Hãng chỉ có dịch vụ taxi hàng không. Ngoài ra, Hãng tham gia vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.
Vietstar Airlines cũng cung cấp các dịch vụ khác như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất (cả nhà ga hành khách và sân đỗ), môi giới thuê máy bay, đào tạo phi công...
Ba năm trước, truyền thông từng rầm rộ đưa tin Vietstar Airlines sẽ tham gia vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình xin giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của Vietstar Airlines rất gian nan. Nguyên nhân do Vietstar Airlines vướng phải các quy định về vốn điều lệ và quy định sân bay căn cứ. Vốn điều lệ của Vietstar Airlines đến năm 2015 mới đạt 700 tỉ đồng, và bị thua lỗ lũy kế làm thâm hụt.
Vietstar Airlines cũng mất nhiều thời gian chờ đợi việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do còn phụ thuộc vào dự án mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến nay, dù dự án này vẫn chưa hoàn tất nhưng nguyện vọng cất cánh của Vietstar Airlines đã được giải quyết.
Có thể thấy, cấp AOC mới chỉ là chỉ dấu cho thấy Vietstar Airlines vừa được Cục Hàng không Việt Nam “gia hạn” giấy phép kinh doanh hàng không chung. Còn để được thực sự trở thành hãng hàng không đúng nghĩa như Vietnam Airlines hay VietJet Air thì Vietstar Airlines vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Trước mắt, các hoạt động ở Vietstar Airlines sẽ rất khác biệt so với những công ty cùng ngành. Đội bay của Vietstar Airlines sẽ là những chiếc chuyên cơ Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. Đây là hai dòng máy bay phản lực thương gia cỡ nhỏ. Sắp tới, Hãng tiết lộ sẽ xem xét mua thêm loại tàu bay thế hệ mới Legacy 650.
Vietstar Airlines dự kiến kí hợp đồng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Như vậy, phân khúc Vietstar Airlines nhắm tới là máy bay cá nhân. Đây là phân khúc ngách nhưng vẫn có nhu cầu. Cách đây nhiều năm, Việt Nam từng là đích nhắm của nhiều nhà sản xuất và cho thuê dòng máy bay cá nhân, từ máy bay hạng sang Bombardier Inc (Canada) đến máy bay trực thăng Azur Helicopter (Pháp)… Bởi vì, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng khi giới siêu giàu của Việt Nam, với tài sản trên 30 triệu USD/người ước tăng lên 540 người vào năm 2026, theo dự báo của Knight Frank.
Tầng lớp này có khả năng chi ra hàng triệu USD để sắm máy bay riêng. Bằng chứng, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai, từng sở hữu Beechcraft King Air350. Hay ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát, cũng từng chi khoảng 5 triệu USD sắm máy bay trực thăng EC135Pi.
Những chính khách, người nổi tiếng, các công ty tổ chức sự kiện... đều có nhu cầu sử dụng chuyên cơ. Ngoài ra, nhu cầu thuê nguyên máy bay (charter) ngày càng thịnh hành, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Theo đại diện của một công ty du lịch lớn tại TP HCM, cách thức thuê nguyên chuyến bay giúp giảm giá vé và tạo trải nghiệm tốt.
Về phía các hãng hàng không, cho thuê nguyên chuyến giúp đảm bảo lượng khách ổn định. Hình thức này còn cho phép các hãng hàng không mở thêm nhiều chuyến bay, khai thác thị trường mới, tối ưu hóa lợi nhuận. Điều này lí giải vì sao tháng 4 vừa qua, Bamboo Airways và Vietravel đã bắt tay nhau để mở đường bay charter đầu tiên tới tỉnh Ibaraki, Nhật.
Tuy nhiên, nhu cầu thuê nguyên máy bay thường chỉ tập trung vào dòng máy bay loại dưới 100 ghế. Vì thế mới đây, Vietnam Airlines cho biết đang xem xét đến việc đầu tư đội tàu bay phản lực loại nhỏ. Hãng dự định giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030, đội tàu bay này có thể đạt khoảng 20 tàu. Trước mắt, Vietnam Airlines có thể sẽ thuê tàu bay phản lực loại nhỏ trong khoảng 6 tháng để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả khai thác thực tế.
Tuy nhiên, vì Việt Nam chưa có sân bay dành cho hoạt động hàng không tư nhân nên câu chuyện bãi đỗ, lịch trình cất cánh, hạ cánh của Vietstar Airlines sẽ là một thách thức cho Hãng.
Kinh doanh 15:59 | 15/05/2020
Kinh doanh 18:08 | 07/05/2020
Kinh doanh 05:30 | 28/04/2020
Kinh doanh 20:26 | 27/04/2020
Kinh doanh 06:38 | 19/04/2020
Kinh doanh 06:39 | 18/04/2020
Kinh doanh 00:14 | 10/04/2020
Kinh doanh 18:09 | 22/03/2020