Ồ ạt doanh nghiệp xin cấp phép bay tại Việt Nam: Thị trường hàng không Việt có phải chiếc bánh hấp dẫn?

Thiên Minh, Vietravel và cả Vingroup là ba doanh nghiệp lần lượt đăng kí bay tại Việt Nam chỉ trong nửa đầu năm 2019.

Bùng nổ doanh nghiệp đăng kí bay nửa đầu năm 2019

Từ đầu năm 2019, đã có tới 3 doanh nghiệp mới tại Việt Nam đăng kí kinh doanh hàng không.

Ngày 19/2/2019, sau một thời gian gửi hồ sơ, xin thủ tục cấp phép thành lập hãng hàng không lên Bộ GTVT và Thủ tưởng chính phủ, công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo như đăng kí, vốn điều lệ ban đầu của công ty là 300 tỉ đồng, do Vietravel sở hữu 100% vốn. Con số này gấp 3 lần so với mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì kinh doanh hàng không.

Hồ sơ đầu tư hàng không được Vietravel nộp ngay sau đó và kì vọng sẽ có chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2021.

128215212

Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, đã có tới 3 cái tên mới tham gia vào thị trường hàng không tại Việt Nam (Ảnh: NBC).

Cái tên thứ hai được nhắc đến là Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu. Đây là công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Minh (kinh doanh chủ yếu lĩnh vực dịch vụ du lịch khách sạn).Hải Âu sẽ liên kết với Air Asia - hãng hàng không đến từ Malaysia, để kinh doanh hàng không phân khúc giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Tuy là cái tên mới đăng kí trong năm nay nhưng đây có thể coi là sự trở lại của Hải Âu khi trước đó, công ty này đã được thành lập năm 2011 nhưng kinh doanh không thành công.

Tính đến hiện tại, hàng không Hải Âu vẫn là cái tên đầu tiên và duy nhất sở hữu dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam.

Cái tên gây chú ý nhất là Vinpearl. Theo đó, Vingroup đã xác nhận chính thức gia nhập vào "cuộc chơi" hàng không khi thành lập Hãng hàng không Vinpearl Air. Công ty được thành lập 22/4/2019 với số vốn điều lệ là 1.300 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air có hoạt động chính là vận tải hành khách hàng không, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, kinh doanh bất động sản, đại lý du lịch...

Không chỉ vậy, Vingroup còn kí với Tập đoàn CAE (Canada) để hợp tác đào tạo phi công, kĩ thuật viên bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không, nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân sự có trình độ cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Tuy nhiên, danh sách chờ cấp phép bay không chỉ có 3 đơn vị này. Từ năm 2016, hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines), liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) đã được thành lập với mức vốn điều lệ là 300 tỉ đồng. 

Nhưng 3 năm nay, hãng này vẫn chưa được cấp phép, vì điểm nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất mới chưa được xây dựng, nên quy hoạch chưa được phê duyệt.

Như vậy, số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng không tại Việt Nam đã lên đến con số 9. Bên cạnh 4 cái tên mới đang chờ cấp phép bay thì thị trường hiện có 5 doanh nghiệp đang khai thác, là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet, Bamboo Airways và Vasco.

Thị trường hàng không Việt có hấp dẫn?

Theo báo cáo từ Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, trong 2 quý đầu năm 2019, thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 9,4% so với cùng kì năm 2018, đạt 38,5 triệu lượt khách. Số chuyến bay được khai thác tăng lên 153.559 chuyến, tăng 2,4% so với cùng kì năm ngoái.

Thị trường kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách hàng không tại Việt Nam được quốc tế đánh giá là giàu tiềm năng và rất sôi động trong tương lai.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo vào cuối năm 2018, Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

218658620-airplanes

Thị trường hàng không tại Việt Nam được các cơ quan quốc tế đánh giá là hấp dẫn (Ảnh: Getty).

Bên cạnh đó, Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) cũng đưa ra nhận định Việt Nam sẽ là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040.

Export.gov cũng đánh giá "miếng bánh" hàng không ở Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai, tạo cơ hội cho các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Những dự báo tích cực này phần nào có thể nhận diện qua doanh thu từ kinh doanh hàng không tại Việt Nam trong những năm qua. Theo báo cáo kết quả thực hiện năm 2018 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng 18% so với năm trước và vượt 11% so với kế hoạch đặt ra.

Với sức hút lớn từ thị trường, nhiều hãng hàng không đang lên kế hoạch tăng cường đội bay. Flight Fleets Analyzer báo cáo từ ngày 9/1, cả 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific có 165 máy bay đang hoạt động. Vào cuối năm 2019, con số này dự kiến sẽ tăng lên 194.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.