Cuộc chiến hàng không tại Việt Nam: Các hãng cùng lao vào một phân khúc sẽ tạo thiệt hại cho xã hội

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển, nhưng các hãng nếu cùng "lao" vào cạnh tranh với nhau ở một phân khúc thì không những ảnh hưởng tới từng hãng, mà còn tạo ra thiệt hại cho xã hội.

Ngành hàng không Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn, song cũng ẩn chứa nhiều khó khăn và rào cản với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Diễn biến thị trường hàng không đầu năm 2019: Vietjet tăng, Vietnam Airlines lại giảm chuyến bay

Con số do Phòng vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam báo cáo, thị trường hàng không 6 tháng đầu năm 2019 đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng 2018.

Hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác khoảng 155 đường bay với 89 điểm từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng khách vận chuyển đạt 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng năm 2018. Số tàu bay cũng được tăng cường thêm 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018, lên thành 197 chiếc.

Còn theo số liệu tổng hợp về khai thác chuyến bay 6 tháng đầu năm 2019 mà Tổng cục hàng không Việt Nam công bố mới đây, số chuyến bay tại Việt Nam đạt 153.559 chuyến, tăng 2,4% so với cùng kì năm ngoái.

Nguyên nhân tăng là do sự tham gia của Bamboo Airways, cùng sự tăng trưởng về số chuyến bay của Vietjet Air. Tính đến hết tháng 6, hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết đóng góp 6.700 chuyến bay, còn Vietjet Air tăng trưởng 14% so với cùng kì, đạt 68.821 chuyến.

Ngược lại, Vietnam Airlines có sự "đi xuống" đáng kể, khi đạt 53.232 chuyến bay, giảm 17,1% so với 2 quý đầu năm 2018.

Jetstar Pacific và VASCO cũng sụt giảm nhưng con số không quá lớn. Tỉ lệ giảm của Jetstar chỉ 1,8% đạt 18.146 chuyến bay còn VASCO giảm 4,6%, đạt 6.650 chuyến bay..

thị phần

Thị phần hàng không tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 (Đồ họa: Nam Thịnh).

Thị phần lớn nhất đang thuộc về Vietjet Air với 45%. Vietnam Airlines đứng thứ 2 với 35%. Tiếp đến là Jetstar Pacific với 12%. Còn Bamboo Airways, dù mới gia nhập "cuộc chơi hàng không" đầu 2019 nhưng thị phần đã ngang ngửa VASCO, đạt 4%.

Các hãng nếu lao vào một phân khúc sẽ tạo thiệt hại cho xã hội

Ngoài 5 hãng bay hiện tại, thị trường hàng không Việt Nam tính đến giữa đầu tháng 7/2019 đang có thêm 4 doanh nghiệp chờ cấp phép hoạt động, là Hàng không Hải Âu, Vietravel Airlines, Vietstar Airlines và mới nhất là Vinpearl Air. Nếu 4 hãng mới này được cấp phép tham gia thị trường thì khách hàng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi máy bay.

Thực tế, thị trường hàng không tại Việt Nam được xem còn nhiều dư địa để phát triển, bởi tỉ lệ chuyến bay trên đầu người ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới (trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040).

Tuy nhiên, chỉ mới 4 hãng đang bay cũng có thể nhận thấy đang có sự "so kè" và cạnh tranh gay gắt. Dễ thấy nhất, Vietnam Airlines đang có xu hướng chững lại và đánh mất một phần thị trường vào tay Vietjet hay Bamboo.

antd-san_bay_tan_son_nhat

Thị trường hàng không Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng. (Ảnh minh họa: VNA)

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kĩ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TP HCM, bay trên tầng cao 10.000 m đang là "sân chơi" của những hãng bay lớn, bởi yêu cầu các tàu bay có kích thước lớn và chỗ ngồi rộng rãi. Điều này yêu cầu quy mô doanh nghiệp phải lớn và sở hữu nguồn tài chính dồi dào.

Ông Tống cho rằng nếu các hãng hàng không tại Việt nam hiện nay cùng "lao" vào cạnh tranh với nhau ở cùng một phân khúc, thì không những ảnh hưởng tới từng hãng, mà còn tạo ra thiệt hại cho xã hội. 

"Các hãng hàng không nên tư duy khác biệt, tìm kiếm những phân khúc còn chưa được khai thác thay vì 'dẫm chân lên nhau' và tranh giành thị phần từ những đường bay hiện tại", ông Tống đánh giá.

Chuyên gia này nhận định từng hãng đang có những lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường. Như Vietnam Airlines đã tạo được uy tín lớn từ xưa tới nay, có nhiều chặng bay quốc tế với đường bay dài. Trong khi Vietjet Air có "sức mạnh" với giá vé rẻ, dễ tiếp cận; còn Bamboo đi kèm với những dịch vụ cung cấp thêm, là du lịch, nghỉ dưỡng.

Từ đây, ông hiến kế những hãng máy bay nhỏ, mới mở cần tự tạo ra những "điểm cộng" của riêng mình: khai thác ở những đường bay ngắn, hay phục vụ du lịch, như thủy phi cơ mà Thiên Minh làm.

tpc

"Thị trường ngách" như mô hình thủy phi cơ hay Air taxi là hướng mà chuyên gia khuyến nghị với những hãng hàng không nhỏ, tiềm lực tài chính vừa phãi. (Ảnh: TMG)

Ngoài ra, những hãng sở hữu quy mô vốn tương đối khiêm tốn nên tập trung vào "thị trường ngách". Ông Tống nói hàng không Việt Nam vẫn đang bỏ trống bầu trời khá nhiều. Những chuyến bay ngắn giữa các tỉnh vẫn chưa được khai thác. Đặc biệt, thị trường hàng không Việt Nam vẫn đang thiếu nhiều "air taxi" – những máy bay nhỏ, ở sân bay nhỏ gom khách đến những sân bay lớn.

"Họ cần tập trung nhiều vào việc nghiên cứu thị trường, phát triển thêm những máy bay cỡ nhỏ, có số lượng ghế hạn chế (thậm chí là chỉ khoảng 10 đến 20 ghế ngồi) đóng vai trò như "air taxi", đi trực tiếp giữa những tỉnh với khoảng cách không quá xa,  bởi vùng trời với cao độ thấp, khoảng 3000-4000 m hiện tại đang được khai thác rất ít", ông Tống nói.

Ông lưu ý các hãng mới khi đầu tư vào hàng không tại Việt Nam cần cân nhắc điều kiện hạ tầng chưa thực sự đồng bộ với tốc độ phát triển.

Việt Nam đang có 22 sân bay thương mại, bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Công suất trên toàn hệ thống vào khoảng 90,4 triệu lượt khách/năm. Công suất này chưa đáp ứng được lượng hàng khách lên tới 103,4 triệu người (theo báo cáo của Tổng cục hàng không năm 2018). 

Ngoài ra, doanh nghiệp mới gia nhập ngành hàng không sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn về vốn (để phát triển và mở rộng đội bay) cũng như vấn đề nhân sự khi kĩ thuật viên, phi công đang tương đối khan hiếm.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.