Tỉ lệ phá sản trong ngành bán lẻ đã tăng mạnh trong năm nay, và nhiều thương hiệu chuỗi đã phải cắt giảm cửa hàng. Điều này đã dẫn đến việc số lượng cửa hàng bị đóng cửa tăng đột biến.
Theo Coresight, các nhà bán lẻ hàng đầu như Payless, Gymboree, Charlotte Russe và Shopko đều nộp đơn xin phá sản và đóng cửa 3.720 cửa hàng kết hợp. Phần lớn các cửa hàng bị đóng cửa là của Payless với 2.100 cửa hàng, sau hai lần hãng này nộp đơn xin phá sản.
Chuỗi giảm giá Fred’s cũng đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9 và đóng cửa 546 cửa hàng. Trong tháng đó, thương hiệu Forever 21 cũng đã nộp đơn xin phá sản, và cho biết sẽ đóng cửa tới 178 cửa hàng. Tuy nhiên, việc đóng cửa của chuỗi Forever 21 không nằm trong báo cáo của Coresight, vì chúng chưa hoàn thiện.
Các nhà bán lẻ khác, chẳng hạn Ascena Retail, Family Dollar, GNC, Walgreen, Signet Jewelers, Victoria's Secret và JCPenney cũng đã cắt giảm các chi nhánh của họ để tiết kiệm chi phí và tập trung cho những cửa hàng mang lại lợi nhuận cao hơn.
Dự báo, hàng ngàn cửa hàng vật lí sẽ tiếp tục bị đóng cửa, ngừng hoạt động trong những năm tới, trước bối cảnh thương mại điện tử đang ngày một phát triển và giúp các nhà bán lẻ tối ưu hoá lợi nhuận.
Mức nợ cao và tiền thuê mặt bằng là những gánh nặng đang đè lên vai các nhà bán lẻ truyền thống.
Trong một nghiên cứu, các nhà phân tích của USB ước tính bán lẻ trực tuyến hiện chiếm khoảng 16% doanh số bán lẻ, nhưng nó sẽ tăng lên 25% vào năm 2026.
Điều này có thể buộc 75.000 cửa hàng bán lẻ sẽ phải đóng cửa từ nay cho tới năm 2026, gồm hơn 20.000 cửa hàng quần áo và khoảng 10.000 cửa hàng điện tử tiêu dùng, theo ước tính của USB. Hàng ngàn cửa hàng bán đồ nội thất và đồ thể thao cũng sẽ phải đóng cửa khi thương mại điện tử lên ngôi.
Ngay cả các ông lớn trong ngành bán lẻ như Walmart hay Best Buy cũng sẽ âm thầm đóng cửa một số cửa hàng của họ, mặc dù song song với đó họ cũng mở thêm các cửa hàng mới.
“Mặc dù có một môi trường tiêu dùng rất thuận lợi, các cửa hàng bách hoá vẫn chưa thể tận dụng điều này”, nhà phân tích Christinia Boni cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Michael Brown, chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng và bán lẻ của công ty tư vấn AT Kearney, dự báo rằng trong năm tới, việc đóng cửa các chuỗi cửa hàng sẽ tiếp tục được diễn ra, khi mà các nhà bán lẻ tiếp tục phình to về quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, báo cáo của Coresight cũng cho biết năm nay đã có hơn 4.300 cửa hàng được mở mới. Dollar General tuyên bố đã mở 975 cửa hàng trong năm nay, một con số tương tự như các năm trước.
“Chúng tôi tiếp tục tin rằng chúng tôi đang hoạt động trong một lĩnh vực hấp dẫn nhất trong ngành bán lẻ”, CEO Dollar General nói.
Dollar General có kế hoạch sẽ đạt 13.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.
Trong khi đó các chuỗi cửa hàng giảm giá như Ollie Bargain Outlet và Five Below cũng đã mở rộng trong năm nay. Thương hiệu cửa hàng tạp hoá giảm giá Aldi cũng mở mới hàng trăm cửa hàng tại Hoa Kỳ, để tiếp cận với những khách hàng muốn mua sắm đồ tạp hoá giá rẻ.
“Các hệ thống cửa hàng đang được hưởng lợi từ thế hệ Z, thế hệ những người thích mua sắm tại các cửa hàng, và đang khiến lượng khách hàng quay trở lại với những cửa hàng truyền thống”, các nhà phân tích của công ty bất động sản CBRE viết trong một báo cáo.
“Một nền kinh tế lành mạnh cũng sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà bán lẻ và trung tâm thương mại trong những năm tới”, Greg Maloney, CEO của JLL cho biết.
“Chúng tôi kì vọng sẽ thấy được đà tăng trưởng trở lại của các nhà bán lẻ, bởi các yếu tố tiêu dùng cơ bản vẫn tỏ ra hết sức mạnh mẽ”, Greng nói thêm.