Khuyến cáo sau vụ cháy Công ty Rạng Đông khác nhau làm dân lo lắng

Chính việc các cơ quan đưa ra khuyến cáo khác nhau đã làm tăng cảm giác lo lắng, hoang mang ở người dân - theo bà Trần Thị Quốc Khánh, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội.
 - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy chưa được thu dọn. (Ảnh: D.TRỌNG)

Ngày 1/9, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết sau vụ cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông, vào ngày 30/8 Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì họp và giao Tổng cục Môi trường điều Trung tâm Quan trắc môi trường xuống phối hợp với TP Hà Nội.

Theo đó, đơn vị chuyên môn của Tổng cục Môi trường đã "cùng quan trắc, cùng phân tích số liệu, đánh giá các tác động sau cháy, đưa ra giải pháp xử , khuyến cáo đối với người dân".

Sẽ xem xét rút kinh nghiệm

Dù có sự phân công phối hợp nhưng thực tế những ngày qua, các khuyến cáo người dân ứng phó với nguy cơ đe dọa sức khỏe, môi trường lại bất nhất.

Trong ngày 31/8, sau khi Q.Thanh Xuân yêu cầu P.Hạ Đình thu hồi văn bản và thông báo các chỉ số quan trắc qua test nhanh đều trong ngưỡng an toàn, Tổng cục Môi trường lại khuyến cáo người dân không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính 1,5km quanh đám cháy...

Còn ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết TP đã giao cơ quan chính để thông tin việc này là Sở Tài nguyên - môi trường và UBND Q.Thanh Xuân. Việc phân công đã rõ nhưng vẫn có sự khác nhau về thông tin cảnh báo khiến người dân hoang mang?

Đáp lại câu hỏi này, ông Hùng cho biết đến thời điểm này đã có văn bản chính thức. "Vấn đề này phải có số liệu, và phải chờ số liệu cuối cùng mới có thể ban bố. Việc ban bố cảm tính sẽ gây hoang mang cho nhân dân" - ông Hùng nhận định.

Nhưng sự cố này liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, vai trò của ngành y tế ra sao? Theo ông Hùng, Sở Y tế Hà Nội cũng có báo cáo gửi Sở Tài nguyên - môi trường tổng hợp, trong đó có thông tin về việc kiểm tra sức khỏe của người dân và những người trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy.

"Hiện nay, Hà Nội tập trung công bố thông tin, còn việc rút kinh nghiệm sẽ có cơ quan có trách nhiệm xem xét" - ông Hùng nói.

Phải thông tin sớm, tránh gây hoang mang

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Luật bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ việc ứng phó với sự cố môi trường. Trong đó, sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào, người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của địa phương, người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường.

Riêng việc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp này, các cơ quan chuyên môn của Hà Nội phải có trách nhiệm vào cuộc trước tiên.

Nếu quy trình đã rõ như vậy, tại sao vẫn có sự lúng túng, bất nhất? Đáp lại câu hỏi này, bà Khánh cho rằng cần rút kinh nghiệm là cơ quan nhà nước phải có thông báo ngay để tránh hoang mang.

"Nếu Sở Tài nguyên - môi trường hay TP Hà Nội có ý kiến ngay từ đầu, người dân không quá lo lắng. Nhưng cũng phải thông cảm tại thời điểm đám cháy đang diễn ra, nhiệm vụ số 1 là tập trung dập lửa, khống chế đám cháy, nên thành phố chưa nghĩ ngay đến việc công bố khuyến cáo đến người dân sau vụ cháy.

Luật đã quy định rõ nếu làm đúng quy trình, không có khuyến cáo vội vã ở phía dưới, cấp trên không phải chỉ đạo lại, đã không gây bất an cho người dân" - bà Khánh giải thích.

Trước khi đưa ra văn bản, "phường phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền". Nếu "nói rằng sự việc nghiêm trọng, nguy hiểm càng phải xin ý kiến để cấp có thẩm quyền cao hơn chỉ đạo. Việc tự phát đưa ra văn bản khiến ở trên chưa nắm được, ở dưới cũng hoang mang" - bà Khánh giải thích.

Theo bà Khánh, khi các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc, Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội đã phát đi thông báo cho thấy các kết quả quan trắc đến thời điểm này trong ngưỡng an toàn, người dân nên tin tưởng.

Ông Nguyễn Công Sinh (phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế):

Quy định hiện hành đã có

Vụ cháy ở kho Công ty Rạng Đông là một dạng sự cố môi trường nhưng ở cấp độ địa phương giải quyết.

Theo dõi những ngày qua, tôi nhận thấy việc tổ chức ứng phó còn lúng túng, nhiều cơ quan phát ngôn, mỗi cơ quan một ý kiến, các ý kiến lại trái chiều nhau: UBND phường là chính quyền địa phương, khi thấy có bụi sau cháy thì khuyến cáo người dân đeo khẩu trang là đúng; quận lại thu hồi thông báo, đòi kỉ luật cấp phường, gây hoang mang cho người dân.

Quy định hiện hành đã có: sự cố, thiên tai cấp nào trung ương điều phối, cấp nào thuộc ban chỉ huy phòng chống thiên tai của địa phương ứng phó.

Ở vụ cháy này, quy mô cấp địa phương, bên cạnh vai trò của ban, TP Hà Nội giao các ngành chức năng phối hợp, Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì ứng phó.

Sau khi có kết quả đánh giá về môi trường, cần họp bàn các bên để có phương án ứng phó đúng hướng, vừa đảm bảo bảo vệ sức khỏe người dân, vừa tránh xáo trộn tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.