Kỹ nghệ săn phong lan “tiến vua” ở Thừa Thiên Huế

Muốn lấy được những cây lan quý hiếm những người "đi săn" phải chấp nhận đối diện nguy hiểm trong những khu rừng sâu và phải trèo lên những cây thật cao

Người chơi lan, đặc biệt là lan rừng, thường không tiếc tiền bạc để sở hữu loại hoa này. Để có được nhánh lan rừng không phải dễ, nhiều "thợ săn lan" phải lặn lội tìm kiếm trong rừng sâu, núi thẳm.

Phải say mới dám... săn lan

Khu vực công viên Thương Bạc (đường Trần Hưng Đạo - TP. Huế) vào những chiều thứ bảy và chủ nhật thường đông một cách kỳ lạ. Với nhiều người chơi lan đây thực sự là một hội chợ thu nhỏ đối với họ, bởi vì không cần mất nhiều thời gian cũng có thể chọn cho mình nhiều loại lan rừng ưng ý.

Sau nhiều lần đến với “chợ” lan này, tôi dần làm quen được với T, một “đầu nậu” chuyên bán lan rừng. T cho biết, số lan mà anh này bán ở đây được mua lại từ những người bạn của mình tận rừng núi Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế), Hướng Hóa, Đak Rong (Quảng Trị), có khi còn mua cả bên Lào.

Để tìm hiểu nguồn gốc của số lan nói trên, tôi đã thuyết phục T cho tôi số điện thoại của bạn T là người thường xuyên cung cấp lan rừng cho anh này. Sau một hồi thuyết phục, T cho tôi số điện thoại anh Hồ Văn Dinh (24 tuổi), trú ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa Quảng Trị).

ky nghe san phong lan tien vua o thua thien hue
Nhiều loại lan đặc biệt được bày bán ở chợ tại Huế

Liên hệ theo số điện thoại được cho, chúng tôi quyết định ra Hướng Hóa để theo chân Dinh đi “săn” phong lan rừng.

5h sáng chúng tôi đến nhà Dinh, Dinh mời chúng tôi ăn sáng bằng bữa cơm với rau rừng và một vài con cá sông mà vợ Dinh chuẩn bị từ lúc giữa đêm.

Trong bữa ăn Dinh bảo: “Mình phải đi sớm cho kịp chứ để tìm được những nhánh lan đẹp khó lắm. Lan rừng thì ít nhưng người tìm thì đông nên càng ngày càng hiếm. Có khi phải đi mất một ngày đường vào tận rừng sâu mà vẫn không thấy đó”.

Chuyến đi này ngoài Dinh, tôi và anh bạn đồng nghiệp, còn có thêm 3 người bạn khác trú cùng thôn của Dinh là anh Hồ Văn Mường, Hồ Văn Khăm và Hồ Văn Bái.

Hành trang của chúng tôi vô cùng đơn giản: Bao tải lớn, dao quắm, dây thừng, đinh mười phân, búa đóng đinh, đèn pin, lương thực và không thể thiếu một ít rượu để giữ ấm cơ thể trong cái rét đến cắt gia cắt thịt giữa tiết trời miền núi những ngày cuối đông.

ky nghe san phong lan tien vua o thua thien hue
Muốn tìm được lan quý thì phải vào rừng sâu

Trên đường đi, Dinh cho biết, địa điểm có nhiều phong lan nhất là đỉnh Voi Mẹp cao trên 1700m. Sau hơn 4 giờ đi bộ ròng rã, trải qua những tán rừng rậm rạp, dốc trơn trượt nhìn như ma trận bát quái, chúng tôi dừng chân nghỉ trưa bên con suối Xà Rong.

Lúc này là gần 10h, tuy rằng mặt trời đã lên, nhưng vì đang là mùa đông nên ánh nắng không đủ để sưởi ấm, thậm chí không đủ làm tan đi màn sương đang giăn phũ giữa núi rừng. Trước bữa cơm trưa, Dinh lôi từ trong hành trang ra chai rượu và uống liền một hơi.

Dinh đưa cho tôi uống để chống rét. Trong cả đoạn đường đi, tôi đã nghe được nhiều câu chuyện về những thanh niên bỏ mạng vì "săn" lan. Theo lời của những người này, những người chết khi đi tìm lan thường rất lạnh vì nằm sâu trong rừng.

Đổi mạng lấy lan quý?

Chỗ ngủ của chúng tôi được làm bằng bạt căng lên, lấy lá cây làm chiếu, nhìn thoáng qua nó giống với liễu dã chiến hơn. Dinh và những người bạn lại kể cho chúng tôi nghe những vất vả về cái nghề “ăn của rừng nhưng rưng rưng nước mắt” này.

Dinh kể, trong bản có người đi “săn” phong lan rừng mà đã bỏ mạng ở định Voi Mẹp. Đó là trường hợp của Hồ A Pua, ở sát nhà Dinh. Năm đó, A Pua một mình vào rừng lấy lan rừng về bán.

Khi trèo lên cây cao thì rắn lục xanh nằm trong lan rừng cắn vào tay làm A Pua ngã từ trên cao xuống. Vài ngày sau dân bản đèn đuốc đi tìm thì phát hiện thi thể của A Pua bị dập nát dưới gốc cổ thụ.

Sau lần ấy, dân làng chỗ Dinh khiếp sợ không giám làm nghề nữa. Bẵng đi một thời gian, đến khi những chủ hàng cây cảnh ráo riết tìm mua phong lan với giá cao ngất ngưỡng thì Dinh và nhiều trai tráng lại trở về với nghề cũ.

ky nghe san phong lan tien vua o thua thien hue
Nhiều thanh niên sẵn sàng chấp nhận đối diện nguy hiểm để săn lan quý trong rừng sâu

Quả thực, để có những nhánh lan rừng được giá, họ đã trải qua bao nhiêu vất vả hiểm nguy: Đó là sự “cày nát” sức lực dọc những con dốc thẳng đứng, cây cối um tùm. Đó là rắn rết, muỗi rừng, vắt, ong… nhưng bất chấp những nguy hiểm đó, họ vẫn bám nghề, tất cả vì miếng cơm manh áo.

Sau gần nửa giờ đồng hồ lần tìm, cả nhóm mới phát hiện thấy một gốc lan rừng bám trên một cây cổ thụ ở độ cao 15m.

Liền sau đó, Dinh lấy cuộn dây thừng khoác lên người rồi dùng đinh mười đóng lên thân cây cổ thụ từng cái một làm chỗ đặt chân để trèo, trèo đến đâu đóng đến đó. Leo đến nơi, Dinh dùng dây thừng buộc người vào thân cây kẻo ngã rồi hét lớn: “Một gốc lan Nghinh Xuân to lắm chúng mày ơi”. Nghe thế, cả nhóm mừng ra mặt, tôi dù chưa hiểu chuyện gì cũng cản thấy vui lây.

Với gốc lan Nghinh Xuân hái được, chúng tôi đếm được tất cả là 9 nhánh lớn và chi chít các nhánh nhỏ. Tính ra thì gốc lan này cũng được gần 2 triệu đồng.

Cả buổi sáng hôm ấy, nhóm chúng tôi còn hái được các loại lan khá, mà nghe bảo giá cả cũng không đến nỗi. Chẳng hạn như lan Tai Trâu thì có lá rất to phiến lá mỏng, mọc ở tầm trung. Loại này chủ hàng mua theo trọng lượng, giá từ 100-200.000 đồng. Hay như lan Tóc Tiên, thân tựa cái roi mây vậy, thường mọc ở các lèn khe suối. Chủ hàng thường mua theo năm, giá từ 150 – 300.000 đồng…

Sau đó chúng tôi nhanh chóng xuống núi với hy vọng sẽ không phải ở trong rừng một thêm một đêm nữa.

Về tới nơi, ai cũng cảm thấy mệt rã rời. Từ trong nhà, vợ Dinh mừng rỡ: “Các anh đi đường không có chuyện gì chứ. Cả đêm tôi ngũ không được, thấy trời mây đen dày đặc mà lo quá. Nếu mưa một trận to thì làm sao về được, cứ nghĩ điều này điều nọ xảy ra mà sợ”.

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.