Kỳ vọng rút ngắn thời gian GPMB khi cho phép chỉ định thầu dự án đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác này.

Chia sẻ tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong nhiều năm trở lại đây, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Tức là công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…

Khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm.

Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP).

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ở đây có thể hình dung hai công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Đầu tiên là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng như điện, nước, viễn thông… Tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được. Nếu chúng ta đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có một nhà thầu có thể thực hiện được việc này.

Việc thứ hai là tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng.

Ở hai dự án đường vành đai nói trên, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị cao. Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng ngoài chỉ định thầu có thể rút ngắn được tiến độ thì công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cũng không kém phần quan trọng. Tất cả điều đó tổng hòa giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Dương Bá Đức, giải phóng mặt bằng cũng là công tác rất vướng.

“Then chốt là nếu chúng ta giải quyết được mặt bằng ổn thì thi công sẽ rất tốt. Giải phóng mặt bằng là nút thắt cho tất cả các dự án. Đây là sức ép cho các địa phương”, ông Đức nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu trong công tác giải phóng mặt bằng, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng đề xuất này không chỉ quan trọng cho những dự án này. Đây là cách tiếp cận để đổi mới thể chế.

Ông cũng tin rằng, các địa phương sẽ làm được bởi vì làm đường liên quan đến người dân, đến địa bàn, những việc này phải xử lý tại chỗ hằng ngày và liên quan đến những bức xúc của xã hội. 

Theo ông, giải phóng mặt bằng nhiều khi bị chốt chặt bởi cái nguyên tắc giá cả, thế là chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết.

“Tình thế thay đổi rất nhiều, điều kiện phong phú lắm, Trung ương không thể nào xử lý hết mọi việc được. Cho phép địa phương linh hoạt xử lý thì có thể giúp chúng ta giải quyết những tắc nghẽn, những điểm lãng phí rất ghê gớm”, chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý, linh hoạt điều chuyển trong phạm vi để làm sao tổng mức không quá mức cần thiết. Tức là, địa phương không được lạm dụng quyền linh hoạt để hưởng lợi. Địa phương được trao quyền chủ động để giải quyết công việc cho phù hợp nhưng địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp giám sát thỏa đáng.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết khó khăn lớn nhất của vành đai 4 là công tác giải phóng mặt bằng. 

"Việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ, không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi", Phó Chủ tịch Hà Nội thông tin thêm.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cũng cho rằng tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án vành đai 3 là vấn đề khó khăn nhất, nhưng các địa phương đã vào cuộc, triển khai công tác chuẩn bị. Sau khi Quốc hội thông qua, sẽ bắt tay ngay vào triển khai.

TP HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để thể hiện quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.