Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm về trước. Nham thạch mà ngọn núi để lại đã mang đến cho Tây Nguyên vùng đất bazan màu mỡ với những giá trị địa chất vô cùng to lớn.
Sau khi phun trào, nó đã để lại một hõm sâu trong lòng núi, tạo nên hình dáng chiếc phễu khổng lồ nằm giữa cao nguyên xanh thẳm.
Núi lửa Chư Đăng Ya được đặt tên theo tiếng của đồng bào J’rai, một trong những dân tộc phổ biến sinh sống tại tỉnh Gia Lai. Theo đó, Chư có nghĩa là núi và Đăng Ya là củ gừng dại. Với dạng địa hình lòng chảo cùng sườn dốc thoai thoải, nơi đây là khu vực mà người dân địa phương tận dụng để trồng các loại hoa màu và rau củ quả như bắp, khoai, bí đỏ, dong riềng,... Nhờ vết tích của dung nham núi lửa mà cây trồng nơi đây vô cùng tươi tốt, đem lại cho người dân nguồn lương thực dồi dào quanh năm.
Ngọn núi này thuộc địa phận làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm tỉnh Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Nơi đây chỉ cách điểm du lịch nổi tiếng Biển Hồ của TP Pleiku khoảng 20km. Do đó, để đặt chân đến ngọn núi này, du khách có thể chọn điểm xuất phát là ngã tư Biển Hồ.
Tiếp đó, du khách đi về hướng tỉnh Kon Tum khoảng 30km và rẽ phải vào đường Lê Văn Sĩ. Theo con đường này, bạn sẽ đến được ngã 3 đường liên xã Nghĩa Hưng - Chư Jôr. Sau đó, chỉ cần rẽ trái khoảng 5km nữa là sẽ đặt chân tới núi lửa Chư Đăng Ya. Bên vệ đường có một vài cây cổ thụ lớn, du khách có thể để xe ở đó và lần theo lối mòn đi lên miệng núi lửa Chư Đăng Ya để ngắm toàn cảnh nơi đây.
Năm 2018, núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai được tạp chí Anh quốc bình chọn là 1 trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh. Đồng thời, ngọn núi lửa cũng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng nền văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Xem thêm: Du lịch Gia Lai
Cảnh vật nơi đây quanh năm mang màu sắc tươi sáng và thích hợp cho những chuyến du lịch khám phá. Tuy vậy, thời điểm lí tưởng nhất để thực hiện hành trình chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Đây được coi là “khoảng thời gian vàng” bởi lúc này tiết trời khá chan hòa, dễ chịu và ít có những trận mưa lớn. Đặc biệt, tháng 11 là mùa của hoa dã quỳ với hàng trăm ngàn bông hoa khoe sắc trên khắp các nẻo đường và phủ vàng cả một góc núi Chư Đăng Ya, tạo nên khung cảnh vô cùng thi vị.
Đứng trên miệng núi lửa, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc thơ mộng với màu xanh ngút ngàn của những ruộng bắp, ruộng khoai, chấm phá thêm màu đo đỏ của những luống dong riềng hai bên vệ đồi cùng sắc vàng rực của các khóm dã quỳ trải dài xuống các triền núi. Tất cả như hòa quyện và tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya đã ấn tượng nay lại quyến rũ gấp bội phần.
Chư Đăng Ya mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và thú vị không chỉ qua vẻ đẹp thiên nhiên mà còn qua nét sinh hoạt của người dân địa phương. Dưới chân núi là một ngôi làng có tên Ia Gri, nơi quần tụ của đồng bào dân tộc với cuộc sống yên bình mà không kém phần đặc sắc.
Đến đây vào đúng dịp Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya, khách du lịch có thể hòa mình vào những nhịp cồng chiêng ngân vang khắp núi rừng và thưởng thức những món đặc sản trứ danh như cơm lam hay gà nướng. Đặc biệt, bạn còn có cơ hội nhâm nhi những chum rượu cần cay xè đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên và chuyện trò với những người dân vô cùng thân thiện và hiếu khách. Tất cả sẽ khiến bạn quyến luyến mãi không thôi.