“Khó tiêu tiền” khi đến Việt Nam
Cuộc điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2014 cho thấy, tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1.114,4USD. Đến năm 2017, con số này chỉ “nhúc nhích” một chút lên 1.171USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...
Khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây cũng chỉ ra, các mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống 56-60%; mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%; còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7-10% trong tổng chi phí.
Điều này cho thấy gần như toàn bộ chi phí bỏ ra cho một chuyến du lịch tại Việt Nam tập trung vào hoạt động đi lại, ăn uống, thuê phòng, rất ít du khách chi tiền cho các hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như: Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Khách du lịch mua hàng lưu niệm tại Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) |
Ông Lại Văn Quân - Trưởng phòng Du lịch Cty du lịch Tricolour Travel - cho biết: “Có một số trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch chủ là người nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ phục vụ riêng nguồn khách của họ, và nguồn tiền mua sắm lại được chuyển trực tiếp về đất nước họ, Việt Nam không có quyền lợi và cũng không kiểm soát được nguồn tiền trong việc mua sắm của nhóm du khách này”.
Nếu như khách đến Las Vegas chơi casino, đến Ibiza để trải nghiệm hộp đêm, đến Thái Lan để đắm chìm trong các thiên đường giải trí, thì đến Việt Nam họ không biết chơi gì. Họ đến để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh và về!
Không có nhiều chỗ chơi thú vị hay nơi để du khách tiêu tiền từ rất lâu đã là thực trạng chưa được giải quyết ở Việt Nam. Vì vậy vừa qua, nhiều cơ quan, ban, ngành đã đưa ra hàng loạt ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các tổ hợp du lịch giải trí về đêm, đặc biệt các điểm vui chơi sau 24h cho du khách.
Nguyên nhân mà Tổng cục Du lịch đưa ra là do lượng du khách Châu Á ngày càng tăng mạnh, chiếm tới hơn 70%. Lượng khách này chi tiêu ít hơn nhiều so với du khách đến từ các khu vực khác như Châu Âu, Mỹ hay Australia. Khoản chi tạo nên giá trị gia tăng quá khiêm tốn.
Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Công ty lữ hành Newworld Travel - băn khoăn: “Khách nước ngoài đến Việt Nam rất ưa chuộng sản phẩm do chính con người Việt Nam tạo ra. Chúng ta có rất nhiều làng nghề thủ công, mỹ nghệ, chạm khắc… Tuy nhiên, có nhiều nơi cung cấp các sản phẩm không tốt. Hơn nữa, khi mua hàng tại Việt Nam, khách hàng luôn phải trả giá, tạo tâm lý đề phòng. Thực tế, khách quốc tế chỉ đang thích danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, mà chưa có niềm tin về các sản phẩm hay dịch vụ du lịch. Khách hàng ít có lựa chọn để vui chơi, giải trí, không biết tiêu tiền vào đâu”.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Thực tế cho thấy, Việt Nam rất có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên, nhưng với cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp, dịch vụ giải trí kém hấp dẫn, các điểm mua sắm vẫn để hàng kém chất lượng trà trộn cộng với thói quen “bóp” khách du lịch nước ngoài khiến họ không mạnh tay chi tiêu. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch kích cầu du lịch thông qua mua sắm - một trong những nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Cần có những trung tâm mua sắm dành riêng cho khách quốc tế tại các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam mà ở đó những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc triển khai các tuần lễ giảm giá lớn cũng góp phần thu hút nhiều hơn nữa lượng khách đến Việt Nam.
“Để du khách có thể chi tiêu nhiều tiền ở Việt Nam cần phải đa dạng sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, quà lưu niệm, trung tâm vui chơi giải trí đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp giữa nhiều bên như quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành và các trung tâm mua sắm. Cần có sự hỗ trợ của nhà nước, có sự trợ giá các dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống để giảm giá tour. Quảng bá những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc trưng vùng miền đến du khách nước ngoài, chú trọng việc đổi mới, tránh nhàm chán cho du khách” - ông Lại Văn Quân nhấn mạnh.
Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho du khách nước ngoài tại Việt Nam cũng tồn tại những bất cập. Các doanh nghiệp lữ hành đề xuất nên giảm bớt thủ tục, cho thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng ngay tại các trung tâm mua sắm thay vì phải đợi đến các cửa khẩu xếp hàng. Đặc biệt, phải có chiến dịch quảng bá để du khách quốc tế biết đến chính sách này.
Hơn nữa, công nghệ thương mại điện tử càng phát triển thì con người sẽ tìm đến các phương thức nhanh gọn, giản tiện hơn. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch cần tính toán xây dựng phương thức đi cùng như đầu tư mạnh hơn vào hệ thống thương mại điện tử, đón đầu ngay từ bước quảng bá phía nước bạn, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.
Tin được không, những điểm đến nổi tiếng này chỉ muốn 'đuổi' khách du lịch
Ngành du lịch đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, song song với lợi ích về kinh tế là những hệ quả ... |
Bí quyết giúp du khách tránh bị 'chặt chém' mùa du lịch
Mùa du lịch đang ở mức cao điểm, tình trạng khách du lịch bị "chặt chém" tại các điểm du lịch ngày một nhiều, theo ... |
Những kế hoạch táo bạo phía sau lệnh đóng cửa bãi biển 'thiên đường' của Thái Lan
Thái Lan sẽ thực hiện chiến dịch phục hồi bãi biển Maya - điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Krabi sau quyết định đóng ... |