Tin được không, những điểm đến nổi tiếng này chỉ muốn 'đuổi' khách du lịch

Ngành du lịch đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, song song với lợi ích về kinh tế là những hệ quả to lớn không thể phủ định mà những địa điểm nổi tiếng được nhiều du khách ghé thăm đang phải gánh chịu.
tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich Quá nổi tiếng để rồi chịu tác động xấu, các điểm tham quan này sẽ hạn chế khách du lịch

Từ những hành vi vô ý thức, phá hoại môi trường cho tới những hành động bất kính với văn hóa bản địa, một phần lớn khách du lịch đang gây ra những ảnh hưởng to lớn đến thiên nhiên và cả những giá trị mà người dân ở nơi họ đến đang cố gắng giữ gìn. Hậu quả là, rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng giờ đây đã trở nên khá khắt khe với du khách và chào đón họ với một thái độ không mấy thân thiện, thậm chí khuyến khích họ không nên đến. Dưới đây là một vài địa điểm trong số đó.

///

Barcelona, Tây Ban Nha

Thủ phủ của Catalunya đón nhận tới 32 triệu du khách vào năm 2016, một con số khổng lồ so với dân số chỉ 1,6 triệu của thành phố này.

Như một hệ quả của việc quá tải du lịch, người dân địa phương đang phải chịu những tác động trực tiếp. Các tiểu thương ở khu chợ nổi tiếng Mercat de La Boqueria cho rằng ngày càng nhiều người đến đây chỉ để chụp hình, ăn uống và chen chúc lẫn nhau và khiến cho doanh thu của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Khách du lịch chật kín một bãi biển ở phía bắc Barcelona. (Ảnh: Albert Gea/Reuters)

Lượng khách du lịch càng gia tăng, áp lực lên chính quyền địa phương càng lớn. Nhiều biển hiệu, tranh graffiti có nội dung “Du khách hãy về nhà đi!” hay “Gaudi ghét các người” trở nên phổ biến (Gaudi là một kiến trúc sư nổi tiếng của xứ Catalunya vào cuối thế kỷ 19, đầu 20). Để xoa dịu người dân, cũng như cải thiện tình hình, chính quyền Barcelona cũng đang có những biện pháp nhất định, như cấm những nhóm du khách lớn tới khu chợ nổi tiếng nhất thành phố.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Chính quyền Barcelona đã đưa ra những quy định hạn chế các nhóm du khách có nhiều hơn 15 người tới thăm khu chợ nổi tiếng Mercat de La Boqueria. (Ảnh: David Ramos/Getty)

///

Dubrovnik, Croatia

Nhờ sự nổi tiếng qua bộ phim truyền hình ăn khách Game of Thrones, Dubrovnik chứng kiến một sự gia tăng chóng mặt của lượng khách du lịch vào những năm gần đây. Nhưng thành phố này đã sớm cảm thấy mệt mỏi về điều đó. Lo ngại những tác động tiêu cực từ số đông du khách có thể gây ra cho những di sản thế giới, UNESCO đã yêu cầu thành phố đưa ra giới hạn cho số du khách được lưu lại là 8.000 người cùng lúc. Tuy vậy, chính quyền thành phố còn quyết tâm hơn, khi đưa ra con số 4.000.

Thị trưởng thành phố Mato Franković trả lời trong một cuộc phỏng vấn hồi 2017 rằng thành phố không hề muốn một lượng du khách quá tải, và họ quan tâm tới chất lượng du lịch hơn là số lượng.

“Chúng tôi có thể mất tiền vào 2 năm tiếp theo, có thể lên tới 1 triệu euro bằng cách cắt giảm lượng khách du lịch. Nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ đạt được hơn nhiều số đó. Chúng tôi xứng đáng là một điểm đến du lịch với chất lượng hàng đầu”, ông cho biết.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Loạt phim truyền hình ăn khách Game of Thrones đã giúp tạo ra một làn sóng du khách cực lớn đổ xô tới thành phố cổ này. (Ảnh: The Dubrovnik Times)

///

Venice, Italia

Thành phố thơ mộng bên sông Venice cũng đang rên xiết với số lượng hơn 30 triệu du khách viếng thăm mỗi năm. Với những lo ngại về ô nhiễm, sự hủy hoại của cảnh quan môi trường, chính quyền Venice đã có những biện pháp mạnh tay với du lịch.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
"Thành phố tình yêu” của nước Ý đang trở nên quá đông đúc. (Ảnh: Getty Images)

Cụ thể, nhiều địa điểm nổi tiếng trong thành phố sẽ hạn chế hoặc cấm khách du lịch đặt chân tới như quảng trường Piazzale Roma hay quảng trường San Marco, hay thậm chí là đại lộ Strada Nuova. Thành phố cũng đã ban hành các lệnh cấm đối với các loại du thuyền lớn đi từ kênh đào Grand Canal. Theo lời ngài thị trưởng Luigi Brugnaro, thành phố sẽ cố gắng điều chỉnh dòng chảy ồ ạt của du khách và các biện pháp được đưa ra là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn, an ninh công cộng.

///

Santorini, Hy Lạp

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Cảnh chen chúc đón hoàng hôn ở Santorini. (Ảnh: Susan Chisnall)

Hòn đảo “thiên đường” của Hy Lạp đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, với 790.000 người cập bến từ những du thuyền hạng sang (theo số liệu năm 2015). Vào mùa cao điểm, mỗi ngày hòn đảo này đón tới 10.000 khách du lịch, với trung bình 3,6 con tàu cập cảng. Lượng lớn du khách đó đã gây nên nhiều áp lực đối với nền kinh tế xã hội, môi trường và giao thông.

Vì vậy, từ năm 2016, chính quyền tỉnh Thira sẽ đưa ra những lệnh hạn chế với du thuyền, như giới hạn lượng khách được cập bến mỗi ngày xuống còn 8.000.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Vào mùa cao điểm, trung bình 10.000 khách cập bến Santorini mỗi ngày từ các du thuyền. (Ảnh: Alamy)

///

Cinque Terre, Italia

Ngay trước khi thông báo hạn chế khách du lịch đến Santorini được đưa ra, chính quyền Ý cũng đã thông qua quy định hạn chế du khách tới di sản thế giới Cinque Terre.

Khoảng 2,5 triệu du khách đã đổ tới vùng đất đặc biệt ở tây bắc nước Ý này vào năm 2015, phần lớn đến từ các du thuyền. Lượng lớn du khách này đã gây ra nhiều đe dọa cho môi trường của khu vực, đặc biệt là khu vực bờ biển đã bị tàn phá bởi các bữa tiệc bãi biển được tổ chức thường xuyên. Trước tình cảnh đó, ban quản lý Vườn quốc gia Cinque Terre đã tuyên bố sẽ không để quá 1,5 triệu du khách đặt chân tới đây vào năm 2016.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Cinque Terre từng là một vùng đất bình yên trước sự “xâm chiếm” của khách du lịch. (Ảnh: Alamy)

///

Bhutan

Ngành du lịch ở “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” chỉ mới bắt đầu từ năm 1974, nhưng ngay từ lúc đó nhà nước Bhutan đã có nhiều biện pháp để bảo vệ cảnh vật và những giá trị văn hóa đặc sắc của họ. Chính sách du lịch của vương quốc này là “mang lại giá trị cao, với ảnh hưởng nhỏ”. Một trong các quy định nổi bật là số du khách tới thăm sẽ bị hạn chế và mỗi người sẽ phải trả tới gần 5 triệu đồng mỗi ngày tiền visa và lệ phí tham quan Bhutan.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Bhutan được biết tới là “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”. (Ảnh: holidayme)

///

Taj Mahal, Ấn Độ

Ngôi đền 400 tuổi mang tính biểu tượng của đất nước tỉ dân này cũng là một nạn nhân của quá tải du lịch khi nó phải đón tới 8 triệu lượt khách mỗi năm, với khoảng 50.000 khách mỗi ngày vào mùa cao điểm. Lo ngại những di tích cổ xưa bị hủy hoại, ban quản lý của ngôi đền quyết định đưa ra nhiều quy định hạn chế khách du lịch như đưa ra giới hạn thời gian 3 giờ với 1 vé tham quan (vé tham quan Taj Mahal là 1.000 Rupee – tương đương 330.000 đồng với khách nước ngoài). Khu vực chính của hầm mộ, nơi chứa bản sao ngôi mộ của Shahjahan và Mumtaz Mahal cũng sẽ bị cấm khỏi khách du lịch.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Taj Mahal cũng phải chịu cảnh quá tải du khách. (Ảnh: Brittanyfromboston)

///

Đỉnh Everest, Nepal

Theo tạp chí TIME, mỗi năm có tới hàng trăm lượt người chinh phục nóc nhà thế giới. Dù có thể mang lại nguồn lợi khá lớn cho kinh tế khu vực khi chỉ riêng giấy phép leo núi đã tốn của mỗi người chinh phục 10.000 USD (khoảng 230.000.000 đồng) nhưng tác hại mà họ mang đến lại nặng nề hơn nhiều.

Cụ thể, Everest đã gần như trở thành một “bãi rác” của chất thải con người, rác thải mà họ xả ra, thậm chí là cả xác người khi những thi thể này không được mang xuống. Nhiều người còn đốn cây để làm chất đốt sưởi ấm. Nguy cơ về ô nhiễm môi trường và cả bệnh tật là rất rõ ràng.

Để hạn chế vấn đề, chính quyền đã yêu cầu những nhân viên địa phương phải giám sát chặt chẽ hơn với vấn đề xả rác, cũng như phải mang đủ số rác mà họ có thể xả ra trên suốt chặng đường theo mình xuống chân núi.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Đỉnh núi cao nhất thế giới hay bãi rác cao nhất thế giới? (Ảnh: Carolynguillot)

///

Machu Picchu, Peru

Là viên ngọc sáng chói trên chiếc vương miện huy hoàng của đế chế Inca cổ đại, Machu Picchu lại chưa từng được thiết kế để chịu được dòng người khổng lồ lên tới nửa triệu mỗi năm. Những quy định thiết thực cần được đưa ra để bảo vệ di tích này trước viễn cảnh bị xâm chiếm bởi du lịch tràn lan và chính quyền Peru đang cố gắng thực hiện điều đó.

Từ 1/7/2017, những chuyến thăm tới địa điểm này sẽ được chia làm 2 ca, ca đầu từ 6h sáng tới giữa trưa và ca tiếp theo sẽ kết thúc vào 5h30 chiều. Du khách sẽ phải chịu mức giá vé 152 Peso (khoảng hơn 1 triệu đồng) cho mỗi ca. Biện pháp này được cho là sẽ điều tiết tốt hơn lượng du khách đang tràn tới thành cổ, khiến cho nó không bị quá tải vào cùng 1 thời điểm trong ngày. Ngoài ra, mức giới hạn cho 1 tour tham quan đã được đưa ra là 16 người.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Machu Picchu là một kỳ quan của thế giới loài người và việc bảo vệ nó khỏi du lịch tràn lan là một nhu cầu bức thiết. (Ảnh: Travelchanne)

///

Quần đảo Galapagos, Ecuador

Không hề có 1 sự phóng đại nào khi cho rằng quần đảo Galapagos là một trong những nơi đẹp nhất thế giới. Không chỉ vậy, nơi đây còn sở hữu một hệ sinh thái độc đáo và giàu có nhất thế giới, hay theo lời bộ trưởng Bộ Du lịch Ecuador Enrique Ponce de Leon, “Galapagos là một viên đá quý ngự trên một chiếc vương miện, và vì thế chúng tôi phải bảo vệ nó”.

Thách thức đang hiện hữu với sự tồn vong của quần đảo này, khi suốt nhiều năm qua nó đã phải chịu những hoạt động như đánh cá phi pháp, hậu quả của biến đổi khí hậu hay việc người ta mang cả những động vật như chó, mèo từ đất liền lên đảo.

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich
Quần đảo Galapagos không chỉ sở hữu cảnh đẹp tuyệt vời mà còn có cả hệ sinh thái đa dạng cùng nhiều loài sinh vật đặc hữu. (Ảnh: Wilderness Travel)

Để thực hiện quyết tâm bảo vệ “viên ngọc” của mình, chính quyền Ecuador dường như đã hy sinh lợi ích về kinh tế để đặt lợi ích sinh thái lên hàng đầu. Họ cố gắng duy trì mức du khách tối đa 245.000 người/năm như hiện nay – một số lượng mà theo nghiên cứu là vừa đủ để không gây tổn hại tới hệ sinh thái.

Song song với đó, nhiều quy định hà khắc cũng được Ecuador. Cụ thể, một khu vực rộng tới 38.000 mét vuông giữa hai hòn đảo Darwin và Wolf, được cho là khu vực tập trung mật độ cá mập dày đặc nhất thế giới, đã cấm hoàn toàn mọi hoạt động đánh bắt. Chính quyền thậm chí còn kiểm soát dân số bằng cách duy trì con số 26.000 dân trên hòn đảo, thậm chí người Ecuador ngoài Galapagos cũng sẽ bị đối xử như người nước ngoài khi họ không thể có quyền định cư tại đây nếu không duy trì quan hệ hôn nhân với 1 người bản địa trong hơn 1 thập kỷ.

Năng lượng tái tạo được đặc biệt khuyến khích. Các hoạt động xây dựng bị hạn chế và túi nilon bị cấm ngặt. Theo giám đốc bảo tồn của WWF tại Ecuador, thách thức của họ là duy trì du lịch bền vững, vừa bảo vệ hệ sinh thái và vừa tạo ra lợi nhuận.

///

#QUÁ TẢI DU LỊCH

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich Cố gắng bảo vệ đời sống biển, Hawaii cấm các loại kem chống nắng phổ biến

Trong một nỗ lực để bảo vệ hệ sinh thái biển, Hawaii đã cấm kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate, hóa chất gây ...

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich Đóng cửa bãi biển thiên đường, Thái Lan và Philippines muốn cứu môi trường

Bất chấp rủi ro về doanh thu du lịch và việc làm của hàng chục nghìn lao động, Thái Lan và Philippines vẫn kiên quyết ...

tin duoc khong nhung diem du lich noi tieng chi muon duoi khach du lich 3 điểm du lịch từng nổi như cồn phải đóng cửa vì thiệt hại môi trường

Từng là những tên tuổi đình đám ở châu Á nhưng thời gian gần đây, Cửu Trại Câu, Boracay và Koh Phi Phi trở nên ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.