Lộ diện nhóm nhà đầu tư đăng ký làm hai khu đô thị 14.000 tỷ ở Đồng Nai

Khu Đô thị du lịch Đại Phước River (Đại Phước River) và Khu đô thị du lịch Đại Phước (Phong Phú Riverside) tại Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ. Nhóm doanh nghiệp đăng ký làm hai dự án này có những mối liên hệ với Văn Phú Invest.

Hồi tháng 1 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện hai dự án tại huyện Nhơn Trạch.

Dự án thứ nhất là Khu đô thị du lịch Đại Phước (Phong Phú Riverside) tại xã Đại Phước với tổng diện tích hơn 75 ha, tổng vốn đầu tư gần 7.778 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 710 tỷ.

Hiện trạng khu đất là đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất giao thông và đất sông suối. Trong đó, đất của hộ gia đình, cá nhân là 709.497 m2; đất chuyên dùng (nghĩa trang) là 322 m2; đất đường giao thông, sông ngòi là 44.922 m2. Số hộ bị thu hồi đất, tài sản giải tỏa dự kiến khoảng 245 hộ (trong dó có khoảng 61 căn nhà phải giải tỏa di dời).

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến khoảng 6 năm, kể từ khi nhà đầu tư được lựa chọn, công nhận và giao thực hiện dự nhà đầu tư. Về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp hơn 1.166 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là Khu đô thị du lịch Đại Phước River (Đại Phước River) tại xã Đại Phước. Dự án có tổng diện tích gần 50 ha, tổng vốn đầu tư gần 6.416 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 472 tỷ.

Hiện trạng khu đất là đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất giao thông và đất sông suối. Trong đó diện tích đất chuyên trồng lúa nước nằm trong dự án khoảng 14,4 ha. Về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp hơn 962 tỷ đồng.

Hiện trạng dự án Phong Phú Riverside. (Ảnh: Hải Quân).

Theo công bố mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, cả hai dự án trên đều đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.

Tại Khu Đô thị du lịch Đại Phước River (Đại Phước River), nhà đầu tư duy nhất đăng ký là liên danh CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland; Công ty Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi (TNHH); CTCP HB Grand Land và CTCP Đầu tư G7 - Invest. Trong đó, có ba doanh nghiệp có mối liên hệ với CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã chứng khoán: VPI).

Đầu tiên là Hà Phú Riverland, vào năm 2021, Văn Phú Invest đã góp 76,5 tỷ đồng, tương đương 30,6% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu của Văn Phú vẫn được giữ nguyên.

Kế đến là Thành Lợi, công ty này thành lập từ năm 2006, là một doanh nghiệp chuyên xây dựng công trình đường bộ, lấy trụ sở tại Bắc Ninh. Thành Lợi cũng là một đối tác của Văn Phú khi đang cho Văn Phú vay một khoản dài hạn 550 tỷ đồng.

Về phía G7 - Invest, doanh nghiệp này thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Hà Nội. Từ năm 2015, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Văn Phú - Invest cũng đồng thời là thành viên HĐQT của G7 - Invest. 

Còn tại Khu đô thị du lịch Đại Phước (Phong Phú Riverside), nhà đầu tư đăng ký thực hiện là liên danh CTCP Đầu tư Phong Phú - HB Grand Land - CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc An Phú - Thành Lợi. Trong đó, Phong Phú cũng là một công ty liên kết của Văn Phú Invest. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.