Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về thu hồi, bồi thường đất

Sáng 1/11, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thời gian qua bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó chỉ giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều của Luật Đất đai 2013.

Trong đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát;

Các hình thức bồi thường cũng đa dạng như bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở. 

Quy định giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, hỗ trợ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.

Dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Phó Thủ tướng cho biết, để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan. 

Trong quá trình thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. 

Đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Nghiên cứu thêm quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đối với các nội dung về người sử dụng đất (Điều 6), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài cũng như việc tiếp cận đất đai có điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài. 

Uỷ ban Kinh tế cho rằng việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này. Trường hợp cần thiết đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 57). Trong đó quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch quyền sử dụng đất và thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của các luật có liên quan.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tầm nhìn, căn cứ lập, mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (chưa được quy định trong Luật Quy hoạch) trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và quy hoạch tỉnh phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Luật Quy hoạch.

Đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể. Theo đó, các trường hợp thu hồi đất bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Về Quỹ phát triển đất, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành việc quy định về quỹ này trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 18, bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về nguồn tài chính của quỹ; việc phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho quỹ; làm rõ về các nguồn huy động khác theo quy định của pháp luật.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.