Mô hình tổ chức đặc khu kinh tế hiện chưa ngã ngũ. Nhiều ý kiến đang băn khoăn về việc có tổ chức một cấp chính quyền với đủ cả HĐND, UBND, hay chỉ thiết kế thể chế Trưởng đặc khu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau. Phương án thứ nhất cho rằng, chính quyền ở đặc khu nên gọn nhẹ, tối giản với một người đứng đầu là Trưởng đặc khu - người được giao thẩm quyền khá lớn.
TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) |
Phương án thứ hai là tổ chức đặc khu như một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND. Trong cơ cấu, cũng cần có những điểm khác biệt đặc thù, không giống mô hình thông thường hiện nay để phù hợp với yêu cầu của đặc khu.
Tôi chọn phương án Trưởng đặc khu vì địa bàn đó phải có những đặc trưng trong cơ chế quản lý. Để phát huy được điểm ưu việt và những lợi thế vượt trội của đặc khu, thì bộ máy hành chính cũng phải được tổ chức tương ứng. Nếu đưa ra hướng tổ chức chính quyền với đầy đủ HĐND, UBND như hiện hành, thì sẽ có nhiều trói buộc, cản trở sự nhanh nhạy, yêu cầu hoạt động linh hoạt, năng động của đặc khu.
Để giải quyết thỏa đáng vấn đề này, theo tôi, mấu chốt nằm ở cách hiểu, cách giải thích Hiến pháp, cụ thể là Điều 110 và Điều 111 của Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương.
Dường như vấn đề lựa chọn thể chế nào là công việc đang làm mất không ít thời gian bàn thảo. Theo quan điểm của ông, vấn đề này nên giải quyết thế nào?
Chúng ta đặt vấn đề xây dựng thể chế vận hành đặc khu kinh tế từ lâu rồi. Chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế đã có hơn 10 năm nay mà cứ bàn đi bàn lại mãi. Như vậy rất lãng phí thời gian và làm lỡ các cơ hội. Giá như ta sớm chốt được vấn đề này từ 5-7 năm trước, thì có khi mọi việc giờ đã tương đối ổn định, mô hình đặc khu đã vận hành êm xuôi rồi.
Thời gian nhằm nghiên cứu, cân nhắc mô hình này cũng đủ để chín rồi, giờ cần sớm đưa vào triển khai. Việc này cũng là để hiện thực hóa chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Đảng là xây dựng luật về chính sách đặc thù cho cả 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, qua đó tạo điểm nhấn mạnh mẽ, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Bắt đầu đã muộn rồi thì phải bắt tay ngay, phải vào cuộc ngay đi, đừng chậm trễ nữa.
Trưởng đặc khu, như được đề xuất trong dự luật, được trao quyền lực rất lớn. Nhiều người e ngại về việc kiểm soát quyền lực thế nào cho Trưởng đặc khu, nên đề nghị bổ sung nhiều cấp giám sát như HĐND tỉnh, Hội đồng Tư vấn và giám sát. Nhưng được biết, ông đã từng nhiều lần cảnh báo rằng, các cấp giám sát nói trên vẫn hình thức, không hiệu quả?
Dự thảo Luật đang thiết kế rất nhiều quyền hạn, trách nhiệm cho Trưởng đặc khu, trong số đó có những thẩm quyền bắt nguồn từ thẩm quyền Quốc hội giao và đã được quy định trong luật, rồi thẩm quyền trực tiếp của Thủ tướng giao... Trước vấn đề thẩm quyền cho Trưởng đặc khu lớn như vậy, câu hỏi đang được đặt ra là công cụ nào để ngăn chặn việc lạm quyền, nhóm lợi ích?...
Chúng ta nên nhìn nhận thực tế về hệ thống bộ máy nhà nước, nhìn vào cách thức tổ chức, vận hành tại các thành phố trực thuộc Trung ương với đầy đủ lệ bộ các cơ quan như hiện nay. Có đủ cả hệ thống thanh, kiểm tra… mà sao vẫn có chuyện lạm dụng quyền lực, phát sinh tiêu cực.
Kiểm soát quyền lực theo mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, theo tôi, có vai trò của rất nhiều cơ quan thanh tra, giám sát, mà không nhất thiết phải có HĐND. Tôi cho rằng, kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tiêu cực ở đây phải gắn với hoạt động kiểm tra thực sự, thực chất, từ nhiều luồng khác nhau, từ HĐND tỉnh, từ Chính phủ, thậm chí là từ Quốc hội tới các kênh kiểm tra của Đảng…
Tôi không sợ, không lo ngại việc không có HĐND ở đó thì không kiểm soát được quyền lực của Trưởng đặc khu.
Nhiều quốc gia đã phát triển đặc khu tới thế hệ thứ 2, thứ 3, tiêu biểu là Trung Quốc. Chúng ta có thể học hỏi được gì từ các mô hình đặc khu thành công trên thế giới?
Nói về Hồng Kông thì tôi thực sự thán phục tư duy của Trung Quốc. Năm 1997, Hồng Kông được trao trả về lại Trung Quốc, khi đó tôi cũng băn khoăn, không hình dung được cách thức xử lý như Trung Quốc, mà chỉ nghĩ thông thường là “về chung một mối”. Không ngờ Trung Quốc thiết kế hẳn một thiết chế kiểu khác “một nhà nước, hai chế độ”. Đó thực sự là hướng tư duy vượt trội.
Dù tham khảo kinh nghiệm hay hình mẫu nào trên thế giới, thì về phần chính trị, pháp lý, đối ngoại, quốc phòng, đặc khu vẫn phải là “một chế độ” với toàn phần lãnh thổ Việt Nam. Chỉ có phần hành chính, tư pháp thì cần có những điểm tổ chức đặc thù sao cho có thể hỗ trợ được phần vượt trội về kinh tế ở đây.
Nguyên tắc để xác định là khu vực này cần thu hút những nhà đầu tư giàu tiềm lực. Nếu chúng ta có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn các nơi khác, thu hút vượt trội hơn hẳn nơi khác, mà nhà đầu tư nghĩ là cầm chắc khả năng vào làm ăn sẽ “thắng”, thì họ sẽ vào. Bộ máy hành chính nơi đây được tổ chức để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thì họ sẽ càng tin tưởng và mạnh dạn hơn để bước vào. Chỉ cần vậy cũng đủ để thu hút rồi.
Tất nhiên, khi đã đi sau, bước chậm như ta, xây dựng được những cơ chế chính sách như thế nào để thu hút được những nguồn lực tối ưu, để cạnh tranh được với các đặc khu khác là quan trọng. Đó mới chính là chỗ khó, chứ nếu cơ chế đưa ra chỉ bình bình, hay thua kém hơn những nơi đã vận hành tốt rồi thì sao thu hút được ai.
Giả danh CSGT, nam thanh niên lừa lấy tiền nhiều nhà xe |