Mất hết ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình

Sự thay đổi về cách tiếp cận chương trình truyền hình của công chúng ngày nay và cơ chế xã hội hóa các chương trình giải trí truyền hình khiến nhà đài bỏ hẳn các chương trình ca nhạc thuần thiếu nhi như trước
mat het ca nhac thieu nhi tren truyen hinh Vì sao trẻ em hát nhạc người lớn trong gameshow?

Lịch phát sóng của các đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương không còn bóng dáng của các chương trình ca nhạc thiếu nhi như trước đây. Thay vào đó là các chương trình truyền hình thực tế mà người chơi là trẻ con nhưng khán giả thưởng thức lại là người lớn.

Thế giới âm nhạc tuổi thơ tìm ở đâu?

"Chương trình "Những bông hoa nhỏ" trên truyền hình chính là ký ức tuổi thơ không thể phai của nhiều khán giả truyền hình" - đó là ý kiến của một trong số bạn đọc đã gửi ý kiến của mình đến Báo Người Lao Động khi bình luận về sự nở rộ các chương trình truyền hình thực tế dành cho thí sinh nhí hiện nay trên truyền hình, xóa mất những chương trình giải trí rất có ý nghĩa giáo dục nhân cách, tính nhân văn dành cho thiếu nhi vốn có trước đó.

Giới chuyên môn cũng thấy tiếc vì điều này. Nhạc sĩ Tiến Luân cho biết: "Nhiều nhạc sĩ cũng muốn viết nhạc thiếu nhi nhưng ai cũng bảo viết để làm gì khi không ai có nhu cầu sử dụng".

Thần tượng âm nhạc nhí, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng tương lai, Người hùng tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Gương mặt thân quen nhí… với trình độ hát nhạc người lớn của các bé ngoài sức tưởng tượng.

Khai thác thiếu nhi cho nhu cầu giải trí của người lớn là mô hình kinh doanh đang hái ra tiền nên nhiều công ty và nhà đài có lượng khán giả đông cùng bắt tay thực hiện. Vì lợi nhuận là chính nên việc sản xuất các chương trình này được các nhà đài giao quyền chủ động cho các công ty liên kết, nhà đài chỉ kiểm duyệt nội dung để tránh sai sót khi lên sóng nên tính định hướng hầu như không có.

Một cán bộ có trách nhiệm của một nhà đài thừa nhận: "Khi xã hội hóa sản xuất các chương trình giải trí để phát sóng, nhiệm vụ của nhà đài gần như chỉ dừng lại ở công tác kiểm duyệt là chính. Hơn nữa, các chương trình hiện nay đều đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng nên nhà đài không có lý do gì để từ chối cả".

mat het ca nhac thieu nhi tren truyen hinh

Chỉ cần có đầu tư, những tiết mục ca nhạc của thiếu nhi cũng sẽ hấp dẫn cả thiếu nhi lẫn người lớn. Trong ảnh: Bé Nhật Minh trình diễn thu hút khán giả những ca khúc thiếu nhi quen thuộc như "Chú ếch con", "Chú voi con ở bản Đôn"… trong chương trình "Tuổi thơ tôi", diễn ra mới đây tại Hà Nội

Tính đến nay, chương trình thuần thiếu nhi còn sót lại trên sóng truyền hình là phim hoạt hình nước ngoài. Các chương trình thiếu nhi truyền thống trước đây đang bị cho là chỉ phục vụ cho một nhóm rất nhỏ đối tượng khán giả nhí.

Nhóm khán giả này cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho nhà sản xuất và nhà đài khi chỉ biết xem mà không có phản hồi hay sự tương tác với chương trình nên chẳng giúp gì cho đơn vị sản xuất đặt mục đích kinh doanh lên hàng đầu kiếm được tiền.

Trách nhiệm nhà đài?

Người trong giới cho rằng đài phát thanh, truyền hình là công cụ của nhà nước, ngoài chức năng thông tin giải trí, các đài còn có trách nhiệm trong việc góp phần giáo dục nhân cách, định hướng thẩm mỹ thông qua các chương trình phát sóng, nhất là đối với khán giả thiếu nhi.

"Ngoài những chương trình xã hội hóa mà nói thẳng ra là "bán sóng", nhà đài vẫn cần phải có những chương trình riêng do chính nhà đài sản xuất bằng tâm huyết của mình để dành phục vụ cho khán giả, đặc biệt là thiếu nhi" - nhiều ý kiến của người trong giới đặt vấn đề. Các nhạc sĩ cho biết họ cũng có viết ca khúc thiếu nhi, có gửi đến các đài nhưng bây giờ chẳng còn đài nào quan tâm.

Không khó để nhận ra nhà đài đang "buông" khi giao phó toàn bộ nội dung chương trình giải trí cho các đơn vị sản xuất. Có gì phát nấy, cốt có lợi nhuận là đủ. Trong khi đó, đơn vị sản xuất chương trình càng cần phải tính toán đến lợi nhuận vì những áp lực "còn - mất sóng" bủa vây họ.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước lập ra các đài truyền hình không nhằm mục đích kiếm tiền mà để làm nhiệm vụ chính trị là chính. Vì vậy, nhiệm vụ chính này phải được đặt lên hàng đầu.

Sự thưởng thức có khác đi theo mỗi thế hệ, sự chuyển tải thông điệp cũng cần phải khác cho phù hợp với thời đại. Nhưng, sự trong trắng và hồn nhiên của tuổi thơ thì thế hệ nào cũng như nhau.

"Nếu có tâm chắc chắn mọi người không khó để chung tay tạo nên những chương trình thiếu nhi hay trên sóng truyền hình. Chỉ là giờ ai nấy "bận" kiếm tiền, thời gian đâu còn chú tâm vào việc chăm lo tâm hồn của tuổi thơ" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đúc kết.

Hấp dẫn hay không còn do cách làm

Các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình cho rằng họ đã tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi trong phạm vi chương trình của mình nhưng kết quả không như mong muốn vì tác phẩm dự thi đều có phong cách sáng tác khá cũ kĩ của nhiều thập niên trước, lỗi thời, hầu như không phù hợp để sử dụng.

Nhưng đó chỉ là lí do các nhà sản xuất đưa ra nhằm né tránh trách nhiệm trước đòi hỏi của công luận rằng thiếu nhi chỉ nên hát nhạc của thiếu nhi chứ không phải hát nhạc người lớn như trong các cuộc thi hát đang nở rộ trên sóng truyền hình hiện nay.

Phiên bản "Heal the world" của cố danh ca Michael Jackson với phần thể hiện của các bé thiếu nhi đến từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga do Kartik Shah và Maati Baaru sản xuất, đang làm "điên đảo" công chúng khắp thế giới vì độ đáng yêu của nó.

Các bé hát không xuất sắc nhưng cho thấy sự kết hợp hoàn hảo ở cả phần hát lẫn chơi nhạc cụ. Hay như ca khúc "Chú ếch con" phiên bản dàn hợp xướng thiếu nhi thế giới của truyền hình Ý hoặc phiên bản nhạc jazz do bé Nhật Minh thể hiện cùng dàn nhạc trong chương trình "Tuổi thơ tôi" gần đây đều cực kỳ thu hút và đáng nhớ. Điều này cho thấy bài hát thiếu nhi có hấp dẫn hay không còn do cách dàn dựng.

mat het ca nhac thieu nhi tren truyen hinh Vì sao trẻ em hát nhạc người lớn trong gameshow?

Ca sĩ Đoan Trang, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận, thiếu ca khúc thiếu nhi khiến trẻ em phải vất vả trong gameshow.

mat het ca nhac thieu nhi tren truyen hinh Nhạc sĩ nói gì khi các ca khúc mới dành cho thiếu nhi quá ít?

Nếu nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho rằng mình không có thời gian toàn tâm, toàn ý để sáng tác thì nhạc sĩ Nguyễn Hồng ...

mat het ca nhac thieu nhi tren truyen hinh Văn học thiếu nhi có là 'mỏ vàng' cho phim hoạt hình?

Mặc dù văn học thiếu nhi được xác định là mỏ vàng cho phim hoạt hình, tuy nhiên “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.