May - Diêm Sài Gòn được làm 169 lô liền kề, biệt thự tại khu hành chính đô thị Đồng Đăng

Khu hành chính – đô thị thị trấn Đồng Đăng do May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 900 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành chủ đầu tư sẽ bàn giao một phần diện tích cho địa phương quản lý và giữ lại 169 lô nhà ở thấp tầng để kinh doanh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa qua đã công bố tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu hành chính - đô thị thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn do CTCP May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn.

Khu hành chính – đô thị thị trấn Đồng Đăng được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2017, đến năm 2019 được điều chỉnh quy hoạch cục bộ và đưa vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Tháng 10/2021, Lạng Sơn đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Dự án có tổng diện tích hơn 21,6 ha, thuộc thôn Thâm Mò, xã Phú Xá và Khu A thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nằm trong tổng thể Đồ án Quy hoạch phân khu Trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Phía đông dự án tiếp giáp các lô đất K3-OM112, K3-OM109 và đất tôn giáo theo quy hoạch; phía tây tiếp giáp với các lô đất K3-OH138, K3-OH139 theo quy hoạch; phía nam tiếp giáp với các lô đất K3-OH138, K3-OH139 theo quy hoạch; phía bắc tiếp giáp với các đất công cộng ký hiệu K3-CC68A, K3-CC68B, K3-CC69 theo quy hoạch.

Bản đồ quy hoạch dự án. (Ảnh chụp màn hình).

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án bố trí gần 7,2 ha đất ở với 169 lô đất thấp tầng (khoảng 35 mẫu nhà); 12,5 ha đất công cộng; 10,1 ha đất hạ tầng kỹ thuật; 1,9 ha đất trụ sở cơ quan; 1,4 ha đất quảng trường, cây xanh; còn lại là nhà văn hoá, đất y tế và trường học.

Các hạng mục tại dự án này bao gồm xây khu nhà ở liền kề và khu nhà biệt thự; mở rộng tuyến đường giao thông; làm công viên và trồng cây xanh; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và khu xử lý nước thải sinh hoạt.

Về hiện trạng, khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất nông nghiệp trồng rau và cây ăn quả. Trong tổng diện tích đất quy hoạch là 216.200 m2 , dự án có diện tích đất trồng lúa, trồng cây hằng năm khác, cây lâu năm là 78.746 m2 , trong đó diện tích đất trồng lúa là 4.300 m2 .

Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với 4.300 m2. Đối với diện tích trồng lúa trên cần có văn bản chấp thuận (Nghị quyết chấp thuận của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa).

Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, các hệ sinh thái thuộc vùng dự án ít nhiều đều bị tác động do thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất và chặt phá một số cây xanh. Bị tác động nhiều nhất là hệ sinh thái đất trong khu vực dự án, tiếp đến là hệ sinh thái khu dân cư. Những tác động này được đánh giá là không lớn và là bất khả kháng.

Toàn bộ diện tích đất trong dự án sẽ được chuyển đổi sang diện tích đất ở, đất công cộng, hạ tầng kỹ thuật sẽ khiến thay đổi mục đích sử dụng đất cũng như làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất tại huyện Cao Lộc. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất đã nằm trong quy hoạch phát triển mở rộng đô thị của nên không gây xáo trộn nhiều tới quy hoạch tương lai.

Trên diện tích thu hồi cho dự án diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp người dân dùng để trồng cây nông nghiệp như ngô, sắn và cây ăn quả. Theo báo cáo, có 150 hộ bị thu hồi đất ở, nhà ở phải bố trí tái định cư.

Về thoát nước mưa, nước mưa tại dự án sẽ được thu gom qua hệ thống hố ga trên các trục đường đấu nối với 4 điểm tại các ga của hệ thống thoát nước hiện trạng. Các điểm đấu nối này nằm trên quốc lộ 1B và tuyến đường phía Bắc đi vào ga Đồng Đăng.

Khi dự án hoàn thành đầu tư xây dựng xong, May - Diêm Sài Gòn sẽ bàn giao một phần diện tích đất công cộng, khu hành chính, … cho UBND huyện Cao Lộc quản lý. Phần đất còn lại là đất thương mại dịch vụ, nhà ở liền kề và biệt thự, công ty sẽ giữ lại để kinh doanh.

Tổng vốn đầu tư của dự án này là hơn 885 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và vốn vay của doanh nghiệp. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là 813 tỷ đồng và chi phí bồi thường tái định cư hơn 73 tỷ đồng (bồi thường đất ở hơn 36 tỷ đồng).

Trong báo cáo ĐTM, tiến độ dự án chưa đề cập mốc thời gian cụ thể. Thời gian từ lúc khởi công đến lúc hoàn thành dự án dự kiến là 36 tháng.

Vị trí dự án nhìn từ bản đồ. (Ảnh chụp màn hình).

May - Diêm Sài Gòn và loạt dự án ở các tỉnh thành

Về chủ đầu tư, May - Diêm Sài Gòn là doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn TNG Holdings Vietnam. Công ty này có địa chỉ trụ sở chính tại 346 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP HCM, tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy (Vinh) được thành lập từ những năm 20 đầu thế kỷ XX. Đến năm 1948 được dời vào Sài Gòn sau đó đổi tên thành Hãng Diêm SIFA.

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hãng Diêm SIFA được Nhà nước tiếp quản quốc hữu hóa và chuyển thành Nhà máy Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng Công ty Giấy - Gỗ - Diêm.

Năm 1994, Bộ Công nghiệp nhẹ có quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động Công ty Diêm Hòa Bình, nâng cấp, chuyển đổi Nhà máy thành Công ty Diêm Hòa Bình trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công nghiệp nhẹ), với chức năng và nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh rộng hơn.

Tháng 7/2004, công ty hoàn thành cổ phần hóa, lấy tên là CTCP May - Diêm Sài Gòn (SMG), vốn điều lệ ban đầu là 5,49 tỷ đồng, trong đó 36% phần vốn Nhà nước do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ. Tính đến tháng 8/2020, May - Diêm Sài Gòn có vốn điều lệ 1.420 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật công ty là ông Nguyễn Xuân Hoàng. 

Trên thị trường bất động sản, May - Diêm Sài Gòn đang sở hữu nhiều dự án ở hàng loạt tỉnh thành. Cũng tại Lạng Sơn, doanh nghiệp này đang đầu tư Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. 

Tại Phú Thọ, trong tháng 6/2021, doanh nghiệp này đã trúng thầu hai dự án, gồm Khu nhà ở đô thị Hà Lộc, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ (17,4 ha, 831 tỷ đồng) và Khu nhà ở đô thị Thanh Sơn (23,4 ha, 1.191 tỷ đồng) thuộc địa bàn thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn.

Đến tháng 9/2021, May - Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để thực hiện chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng.

Cũng tại Hải Phòng, doanh nghiệp này là nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm dự án khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo với quy mô gần 10 ha, tổng mức đầu tư 783 tỷ đồng.

Tại Lạng Sơn, dự án Khu hành chính - Đô thị thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc với quy mô khoảng 22 ha, tổng mức đầu tư 813 tỷ đồng cũng đã về tay May - Diêm Sài Gòn trong tháng 9.

Ở Bình Định, địa phương này đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch khu đô thị phía Nam quốc lộ 19, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Dự án này có quy mô gần 29 ha, được May - Diêm Sài Gòn ký kết hợp đồng thực hiện với UBND huyện Tây Sơn.

Tại TP Hải Phòng, vào tháng 11/2021, doanh nghiệp được chấp thuận nhà đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt.

Tại Thanh Hoá, tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp được chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu dân cư phía Đông Nam thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy. Ngoài ra, May - Diêm Sài Gòn còn đầu tư Khu dân cư Nam Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn...