Nằm bên trong Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore là một cửa hàng tiện lợi, nơi khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn và rời đi, mà không cần phải tương tác với bất kì nhân viên nào, hoặc thậm chí là thanh toán tiền.
Được đặt tên là Pick and Go, cửa hàng sử dụng một hệ thống camera và các cảm biến được hỗ trợ bởi AI, để theo dõi người và vật phẩm khi họ rời khỏi cửa hàng. Tiền hàng sẽ được tự động trừ trong một tài khoản mà khách hàng đã đăng kí từ trước. Một mô hình kinh doanh hoàn toàn tự động nhờ vào trí tuệ nhân tạo AI.
“Một khi bạn chọn được sản phẩm cần mua, bạn thực sự có thể bước ra khỏi cửa hàng mà không cần phải thực hiện thêm một công đoạn nào khác”, Giám đốc Pick and Go Alex Ng, nói.
Mặc dù tiện dụng như vậy, nhưng theo một nghiên cứu được thực hiện mới đây bởi Microsoft và IDC cho thấy, có tới 67% các nhà bán lẻ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương không muốn tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công việc kinh doanh của họ.
Dựa trên khảo sát 218 giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ tại 15 thị trường bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, thì có 23% số người được hỏi cho biết thậm chí họ còn không coi việc sử dụng AI là một phần trong chiến lược của mình.
“Có thể các doanh nghiệp nghĩ rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo chưa sẵn sàng, hoặc không được đầu tư đúng mức”, Raj Raguneethan, lãnh đạo lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng của Microsoft châu Á, cho hay
Có 44% những người được khảo sát cho biết họ đang chờ đợi công nghệ AI trưởng thành, trước khi biến nó trở thành một phần trong kế hoạch kinh doanh vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Và chỉ có 33% cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm hoặc áp dụng AI vào hoạt động kinh doanh của mình.
Theo Raguneethan, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế đã nắm bắt công nghệ AI nhanh hơn so với ngành bán lẻ. 41% các doanh nghiệp sản xuất cho thấy họ đa tích hợp AI, và con số này là 52% trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Đông Á đang dẫn đầu Đông Nam Á trong số các doanh nghiệp đã triển khai AI.
Theo Quốc hội Trung Quốc, ngành công nghiệp AI dự kiến sẽ có giá trị khoảng hơn 140 tỉ USD vào năm 2030.
“Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo ở một tốc độ hoàn toàn khác. Họ đang dẫn đầu trong công nghệ AI, đặc biệt là ở lĩnh vực bán lẻ và đổi mới”, Raguneethan nói.
“Tại Đông Nam Á, tôi cũng thấy nhiều lực kéo và các nhà bán lẻ cũng đang bắt tay vào chuyển đổi. Nhưng rõ ràng là nó đi sau Trung Quốc”, Raguneethan cho biết thêm.
Mặc dù có 71% Giám đốc chuỗi bán lẻ ở châu Á cho rằng, họ nghĩ AI sẽ là công cụ để cạnh tranh kinh doanh trong ba năm tới, nhưng nghiên cứu lại cho thấy sự thiếu cam kết để thực hiện đầu tư vào AI của các nhà lãnh đạo này.
Tuy nhiên, giống như Pick and Go của Singapore, số ít các nhà bán lẻ ở Đông Nam Á đã có những bước tiến nhảy vọt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Tập đoàn bán lẻ Kanmo của Indonesia gần đây đã hợp tác với công ty tư vấn tiêu dùng Capillary Technologies để sử dụng AI, nhằm tăng doanh số tại các cửa hàng. Theo đó, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Kanmo phân tích lịch sử lưu lượng truy cập vào cửa hàng, để đánh giá nhân sự và đánh giá tác động của các chiến dịch quảng cáo.
“Kết hợp hành vi của người tiêu dùng tại cửa hàng với dữ liệ giao dịch, sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện về khách hàng, và giúp chúng tôi cá nhân hoá được các dịch vụ của mình”, Hitesh Bharwani, Giám đốc điều hành Tập đoàn Kanmo cho biết.
Capillary cũng đang làm việc với các công ty ở Malaysia và Singapore, để cung cấp kết quả kinh doanh do AI phân tích.
“Giả sử một nhà bán lẻ giày đang giới thiệu một mẫu giày mới. Dựa trên dữ liệu bán hàng trong quá khứ, AI có thể giúp bạn tập trung đúng vào nhóm đối tượng tiềm năng của sản phầm”, Vikram Bhat, Giám đốc sản phẩm của Capillary nói.
“Tuy nhiên, có một vấn đề là nhiều nhà bán lẻ thiếu nguồn lực để đầu tư vào AI”, Lian Jye, nhà phân tích tài chính tại công ty phân tích công nghệ ABI Research cho biết. “Chi phí chắc chắn sẽ là một trở ngại chính”.
Lợi nhuận bị cạnh tranh bởi các trang thương mại điện tử, nên đầu tư vào các giải pháp AI có thể là một liều thuốc khó nuốt, đặc biệt khi lợi tức đầu tư không rõ ràng.
Các chuyên gia ước tính phải mất thêm từ 5 - 10 năm năm nữa, khi các nền tảng AI đủ sẵn sàng, thì mới có thể thấy được sự hào hứng từ các nhà bán lẻ ở châu Á.
Các quầy hàng tự thanh toán gần như đang rất thịnh hành ở các quốc gia như Australia và Hoa Kỳ, trong khi đó ở Đông Nam Á nó mới chỉ chớm hiện diện tại Singapore.
Đô thị 08:29 | 13/07/2020
Nhà đất 08:06 | 13/07/2020
Kinh doanh 08:03 | 13/07/2020
Đô thị 08:03 | 13/07/2020
Kinh doanh 09:07 | 29/06/2020
Đô thị 06:02 | 29/06/2020
Du lịch 06:00 | 29/06/2020
Tiêu dùng 20:34 | 28/06/2020