Mức đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có thể tăng thêm 4.000 tỷ đồng

Theo phương án mới được tỉnh Bình Phước đưa ra về việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, dự kiến tổng mức đầu tư dự án này sẽ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, đạt 29.986 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Phước).

Theo Cổng TTĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 27/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị Phương án đầu tư một số dự án cao tốc gồm cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc CT.08, đoạn Nam Định - Thái Bình.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã trình bày báo cáo tóm tắt xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cho biết, việc xây dựng tuyến đường cao tốc này nhằm từng bước hoàn thiện đường cao tốc phía Tây, góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 14 (QL14), kết nối vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP HCM, cũng như tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Dự án có quy mô đầu tư lớn và hiện đã có nhà đầu tư quan tâm nên thực hiện theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của ngân sách nhà nước. UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án và chỉ đạo về phương án đầu tư.

Thông tin từ Báo Đầu tư cho biết, Theo phương án mới được lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dự kiến được đầu tư làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I sẽ xây dựng 4 làn đường đầy đủ (bao gồm 4 làn cao tốc và hai làn dừng xe khẩn cấp). Giai đoạn II, sẽ đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch đạt 6 làn xe đầy đủ.

Với phương án này, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 29.986 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 4.640 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 18.981 tỷ đồng, ngoài ra là các chi phí khác, bao gồm cả 1.130 tỷ đồng chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Như vậy, so với phương án được báo cáo Thường trực Chính phủ hôm 12/3, tổng mức đầu tư dự án đã tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn được xác định là vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.900 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 20.086 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67%.

Trong phần tham gia của Nhà nước, ngoài phần Bình Phước (3.000 tỷ đồng) và Đắk Nông (1.000 tỷ đồng) tự thu xếp bằng ngân sách địa phương, thì các tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 5.900 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo, tổng mức đầu tư tăng như vậy là do phương án trước đây, Dự án dự kiến xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, còn hiện tại, là quy mô 4 làn xe đầy đủ, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, nếu giữ nguyên phần tham gia của Nhà nước, thì vốn nhà đầu tư - liên danh Techcombank - Vingroup, sẽ tăng lên hơn 20.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, liên danh nhà đầu tư chỉ có thể tham gia với 16.000 tỷ đồng, như cam kết ban đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với đề xuất của hai tỉnh Bình Phước và Đăk Nông về phần vốn tham gia của địa phương, đồng thời cũng đồng ý phương án phần tham gia của nhà đầu tư giữ nguyên là 16.000 tỷ đồng như phương án ban đầu.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.