Trước đây chưa quy định chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực, các vấn đề về chế độ thai sản của lao động nam sẽ được điều chỉnh bởi văn bản này.
Căn cứ pháp lý - Luật Bảo hiểm xã hội – Luật số 58/2014/QH13 - Nghị định 115/2015/NĐ-CP - Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ lao động thương binh xã hội - Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam |
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 5 ngày làm việc, nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì thời gian đó là 7 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Còn trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. Như vậy, một ngày được hưởng chế độ thai sản của lao động nam được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con - Nguồn: Internet. |
Để được hưởng chế độ thai sản, trong không quá 45 ngày người chồng phải nộp 1 bộ hồ sơ đến Công ty nơi mình hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội. Với các loại giấy tờ sau:
– Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con. Trường hợp con chưa có giấy khai sinh thì cung cấp giấy chứng sinh phải gửi kèm bản sao Giấy đăng ký kết hôn.
– Giấy ra viện trường hợp sinh con phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi, trường hợp trên giấy ra viện không ghi rõ tình trạng thì cần phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày công ty nộp hồ sơ của người chồng lên cơ quan BHXH, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc chi trả chế độ thai sản cho người chồng.
Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc trợ cấp một lần khi sinh con: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản: - Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. - Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước. - Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau: + Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên; + Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; + Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. - Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó. |
Người mang thai hộ cũng hưởng chế độ
Trước Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, luật chưa có quy định chế độ thai sản cho người mang thai hộ nhưng từ khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì chính sách này bắt đầu được áp dụng.
Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu, chế độ sinh con… từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng.
Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Luật gia Đồng Xuân Thuận