Mức lương thử việc tối thiểu là bao nhiêu?

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.

Tôi vừa xin việc ở công ty xây dựng, họ ra điều kiện thử việc 4 tháng với mức lương một triệu đồng. Pháp luật hiện hành có quy định nào về thời gian và mức lương thử việc không? Thời gian thử việc có đóng Bảo hiểm xã hội không?

Đọc giả: Thanh Mai

Ảnh minh họa

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Lưu ý, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Thời gian thử việc có phải đóng Bảo hiểm xã hội không?

Theo quy định đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

- Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018).

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải có các nội dung quy định của Bộ luật Lao động, không bao gồm nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Như vậy: Thời gian thử việc theo hợp đồng thử việc thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, mặc dù không phải tham gia BHXH cho lao động thử việc nhưng Công ty có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động 1 khoản tiền tương đương với tỷ lệ mức đóng BHXH bắt buộc thuộc phần trách nhiệm của công ty là 22% (bao gồm: BHXH 18%, BHYT 3%, BHTN 1%).

Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ.

Lương thử việc được tính trên cơ sở nào?

Theo quy định, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Về tiền lương, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Theo Điều 3 Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:

- Mức 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

- Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

- Mức 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

- Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Theo điểm b, điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 88/2015/NĐ-CP), người sử dụng lao động thực hiện một trong các hành vi thử việc quá thời gian quy định; trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận 

chọn
IDJ báo lãi quý I nhờ dự án Mũi Né, sẽ hạn chế làm dự án mới và giảm vay nợ tài chính
Quý I/2024, IDJ lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng với doanh thu chủ yếu đến từ dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né. Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cho biết sẽ hạn chế phát triển các dự án bất động sản mới và đẩy tỷ trọng vay ngân hàng, vay trái phiếu xuống mức rất thấp.