Các dự luật này vẫn cần sự thông qua của Thượng viện lẫn sự ủng hộ từ Tổng thống Donald Trump. Dù vậy, chỉ riêng động thái từ Hạ viện cũng đủ khiến Trung Quốc, vốn xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm bậc nhất, tức giận.
Hồi cuối năm 2016, ngay trước khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã đích thân "thử" Trung Quốc bằng cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và gọi nguyên tắc Một Trung Quốc là "có thể đàm phán được", tất cả những động thái trên đều kéo theo sự phản đối dữ dội từ Bắc Kinh.
Hai dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua có thể sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào một giai đoạn căng thẳng mới. Ảnh: AFP.
Dự luật đầu tiên, Đạo luật Du lịch Đài Loan, được thiết kế nhằm tăng cường trao đổi chính thức giữa Washington và Đài Bắc.
Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép các quan chức Mỹ đến Đài Loan và gặp gỡ những người đồng cấp.
Dự luật cũng mở đường để các quan chức cấp cao Đài Loan đến và gặp gỡ quan chức Mỹ, bao gồm những người trong nhà nước và các cơ quan quốc phòng.
Từ sau khi Mỹ hủy bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang công nhận Trung Quốc vào năm 1979, những cuộc gặp gỡ như thế này đã bị né tránh.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ sẽ được thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Hồi tháng 6/2016, Bắc Kinh đã cắt đứt mọi liên lạc chính thức với chính quyền của bà Thái Anh Văn, do lãnh đạo mới của Đài Loan không công nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Nguyên tắc Một Trung Quốc là sự đồng thuận rằng chỉ có một nước Trung Quốc, dù Bắc Kinh và Đài Bắc được phép diễn giải khái niệm này theo cách riêng của mỗi bên.
Dự luật thứ hai nhằm giúp Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên ở Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đoạt lại. Ảnh: AFP.
Hai dự luật cho thấy Đài Loan vẫn luôn là một trở ngại trong quan hệ Mỹ - Trung dù cho Tổng thống Trump, sau cuộc điện đàm gây sốc với lãnh đạo Đài Loan, đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông sẽ tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc.
Vào tháng 12/2017, Tổng thống Trump cũng đã ký Đạo luật Giao quyền Phòng vệ Quốc gia với một phần trong đó cho phép quân đội Mỹ được trao đổi với Đài Loan, bao gồm cả việc cho tàu chiến đậu lại cảng của nhau.
"Giây phút một chiến hạm Mỹ đậu lại cảng Cao Hùng (của Đài Loan) sẽ là lúc Quân đội Giải phóng Nhân dân (Trung Quốc) đoạt lấy Đài Loan bằng vũ lực", ông Lý Khắc Tân, Công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C., phản ứng dữ dội trước đạo luật trên.
Khi Đạo luật Du lịch Đài Loan được Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 10, Trung Quốc cũng đã tỏ rõ sự "kiên quyết phản đối" với dự luật này.
Nếu dự luật tiếp tục được thông qua ở Thượng viện, nhánh hành pháp sẽ quyết định luật mới được thực thi như thế nào. South China Morning Post dẫn lời các nhà quan sát cho rằng đây là cơ hội để Tổng thống Trump và các cộng sự mặc cả với Trung Quốc.
Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng ông Trump sẽ "cân đo đong đếm" các rủi ro của việc ủng hộ hai dự luật trên.
Nhiều chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ dùng vấn đề Đài Loan để "mặc cả" với Trung Quốc nhưng sẽ không đẩy mọi việc đi quá xa vì Bắc Kinh xưa nay không bao giờ chịu nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan. Ảnh: AFP.
Chuyên gia Zhang Yuquan từ Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu nói rằng tổng thống Mỹ có nhiều lựa chọn.
"Ông ấy có thể không ký thông qua luật, hoặc ông ấy có thể ký mà chưa vội thực thi, hoặc ông ấy chỉ gửi đi và đón tiếp những quan chức cấp thấp. Tất cả những điều đó sẽ là quân bài mặc cả với Trung Quốc", ông Zhang nhận định.
"Không ai nên nghi ngờ quyết tâm mạnh mẽ của ông Tập về việc thống nhất. Vì vậy, tôi nghĩ Trump chỉ đang cố dùng các quân bài để có một thỏa thuận", theo chuyên gia này.
Jia Qingguo, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng tổng thống Mỹ là người thích để lại vài sự không chắc chắn trong các chính sách của ông.
"Ông ấy thích tỏ ra khó đoán, nhưng ông ấy cũng sẽ cư xử thận trọng vì Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có một cuộc gặp cấp cao giữa quan chức Mỹ và Đài Loan. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lợi ích quốc gia của Mỹ", ông Jia nói.
"Hậu quả tệ nhất có thể xảy ra là sự đổ vỡ quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung. Nhưng tôi không nghĩ mọi việc sẽ đi xa đến vậy".
Mỹ sẽ thay đổi lại chính sách buôn bán vũ khí
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xóa bỏ nhiều rào cản và buộc các đại sứ quán xúc tiến thương vụ bán vũ ... |