Năm 2019 'bận rộn' và nhiều biến động của tỉ phú giàu nhất Việt Nam

2019 có thể nói là một năm bận rộn của Vingroup và tỉ phú Phạm Nhật Vượng với nhiều thay đổi bất ngờ. Nếu giữa đầu năm, thị trường liên tục đón sản phẩm mới như ô tô, điện thoại, hàng không thì cuối năm, giới đầu tư cũng liên tục bất ngờ khi doanh nghiệp này liên tục công bố nhượng VinMart, giải thể Vinpro, sáp nhập Adayroi, rút khỏi bán lẻ sau 5 năm theo đuổi.

Nhận 1,5 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng cùng doanh nghiệp của mình có lẽ trải qua nhiều biến động nhất trong năm 2019. 

Tháng 3/2019, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phần, tương đương 7,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành, cho tối đa 5 nhà đầu tư nước ngoài. Số tiền thu được trong khoảng 25.000 tỉ đồng. Vốn này sẽ được Vingroup sử dụng 6.000 tỉ đồng đầu tư vào công ty con VinFast, VinTech, Vinsmart.

Đến cuối tháng 5, Vingroup công bố thông tin hoàn tất phân phối 250 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn SK. Tập đoàn đến từ Hàn Quốc nắm 154,3 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup và 51,4 triệu cổ phiếu VIC nhận chuyển nhượng từ Vincommerce. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỉ đồng, tương ứng 1 tỉ USD. Sau thương vụ, SK nắm 6,11% vốn tại Tập đoàn Vingroup.

20180223-sk-group

Vingroup nhận 1 tỉ USD từ chaebol Hàn Quốc SK Group. (Ảnh: ANR).

Đầu tháng 9, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore GIC Private Limited đã rót 500 triệu USD vào Vingroup để mua cổ phần của Vincommerce. GIC chỉ cho biết số tiền này mua lại "một cổ phần thiểu số". Ngoài ra, Quỹ khẳng định: "Sau giao dịch, Vingroup tiếp tục là cổ đông kiểm soát của Vincommerce".

Riêng công ty con VinFast, lần lượt vào tháng 9 và tháng 11/2019, Vingroup thông báo bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỉ đồng và không quá 30.000 tỉ đồng.

Đến nay, hãng ôtô của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã huy động thành công1.045 tỉ đồng, từ 7 lô trái phiếu. Ngoài ra, từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2019, VinFast đã phát hành tổng cộng 64 lô trái phiếu, để huy động 8.360 tỉ đồng. Chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 12, VinFast phát hành 19 lô trái phiếu, với tổng giá trị huy động là 2.945 tỉ đồng.

Thoái vốn bất động sản, thu về hàng nghìn tỉ đồng

Năm 2019 cũng ghi nhận nhiều đợt thoái vốn của Vingroup. Trong báo cáo soát xét giữa niên độ 2019, Vingroup cho biết đã thu về hàng nghìn tỉ đồng từ việc thoái vốn tại Prime Land và Ngôi Sao Phương Nam trong tháng 3.

Cụ thể, Vingroup đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại Prime Land - doanh nghiệp sở hữu dự án bất động sản tại huyện Mê Linh, Hà Nội - với giá trị 2.610 tỉ đồng, thu về khoản lãi 1.612 tỉ đồng. Với công ty Ngôi sao Phương Nam, giá trị chuyển nhượng là 1.920 tỉ đồng và lợi nhuận thu được là 1.124 tỉ đồng.

Nhiều động thái nhằm tái cơ cấu lại mảng bất động sản cũng diễn ra trong năm nay. Ngay đầu năm 2019, tỉ phú Phạm Nhật Vượng thôi chức Chủ tịch HĐQT Vinhomes, dù ông vẫn đại diện Vingroup nắm giữ 34,83% vốn Vinhomes.

Đầu tháng 7, Vingroup ra nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hà Thành cho các công ty con. Sau khi chuyển nhượng, Vingroup vẫn sẽ là công ty mẹ của Công ty Hà Thành.

Đến đầu tháng 10, Vinhomes chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần trong CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn cho CTCP Phát triển Thành phố Xanh. Đơn vị nhận chuyển nhượng cũng chính là một công ty con của Vinhomes, đang là chủ đầu tư dự án Vinhomes Grand Park quận 9, TP HCM.

VGP

Vinhomes Grand Park (quận 9, TP HCM) trở thành điểm nóng bất động sản khu Đông TP HCM suốt năm 2019. (Ảnh: Vinhomes).

Trung tuần tháng 10, dự án Khu đô thị Gia Lâm (Hà Nội) được chuyển nhượng một phần cho Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy. Công ty con của Vingroup tiếp tục đầu tư xây dựng, kinh doanh đối với lô đất trường đào tạo đại học, dự kiến hoàn thành quí IV/2024.

Một năm "tái cơ cấu sở hữu nội bộ"

Để "tái cơ cấu sở hữu nội bộ" trong năm 2019, Vingroup còn có 2 đợt chuyển nhượng lớn của Vinpearl và Vinpro. Ngay đầu năm, Vinpearl đã kí hợp đồng đặt cọc cho Vingroup để nhận chuyển nhượng 98,99% vốn CTCP Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. 

Tổng số tiền chuyển nhượng là 3.234 tỉ đồng.

Đầu tháng 7, Vingroup thông báo chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Kinh doanh và Thương mại dịch vụ Vinpro cho công ty con. Sau khi thực hiện, Vingroup không còn là cổ đông của Vinpro nhưng vẫn là công ty mẹ.

img7001-15656081558261482644827-15766550699841488419271

VinPro sau gần 5 năm hoạt động và những thay đổi chiến lược đã giải thể trong tháng 12/2019. (Ảnh: Phúc Minh).

Nhưng ngày 23/12, tập đoàn này bất ngờ thông báo giải thể VinPro vì thay đổi chiến lược mới, dồn mọi nguồn lực cho công nghiệp và công nghệ. Hai ngày sau thông báo, toàn bộ chuỗi điện máy gần 300 cửa hàng đã đóng cửa, dừng hoạt động.

Cùng thời điểm, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng tạm dừng hoạt động sàn thương mại điện tử Adayroi, sáp nhập vào Công ty Cổ phần VinID từ ngày 31/12/2019. Vingroup giải thích động thái trên nhằm biến Adayroi trở thành mô hình bán lẻ ngoại tuyến kết hợp trực tuyến (O2O).

Hai tuần trước khi giải thể Vinpro, thị trường bán lẻ bất ngờ hơn khi Vingroup chuyển nhượng toàn 2.600 siêu thị VinMart, Vinmart+ và Công ty nông nghiệp VinEco cho Masan. Đây cũng được xem là "cú bắt tay" lớn nhất năm 2019 trong ngành bán lẻ. 

Vingroup cho biết sau sáp nhập, Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Trở thành tập đoàn về công nghiệp - công nghệ hàng đầu

Năm 2019, truyền thông quen tai với thông điệp Vingroup nhiều lần nhấn mạnh: Tập trung toàn bộ nguồn lực để trở thành tập đoàn về công nghiệp - công nghệ hàng đầu khu vực.

Ngay từ tháng 3, tập đoàn này đã khai trương Công ty VinTech Hàn Quốc tại thành phố Dae Gu, nhằm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, robotics và phát triển các sản phẩm, giải pháp về ôtô, xe máy, nhà máy thông minh. Đây là công ty công nghệ đầu tiên thuộc tập Vingroup đặt tại nước ngoài, với tổng đầu tư 11 triệu USD.

Vintech

Vingroup chi 11 triệu USD để đầu tư cứ điểm đầu tiên cho VinTech tại nước ngoài. (Ảnh: VinTech).

Cuối tháng 8, GS Vũ Hà Văn thuộc Đại học Yale (Mỹ) được Vingroup mời làm Giám đốc khoa học Viện Big Data, và tham gia điều hành quỹ với khoản đầu tư 1.000 tỉ đồng trong 3 năm. Trước mắt các nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn ngành dữ liệu lớn như máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI),…

Riêng con cưng VinFast, tính đến cuối tháng 3/2019, Vingroup đã đầu tư gần 31.000 tỉ đồng vào tổ hợp dự án VinFast, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018. Chưa kể, để tăng doanh số, tỉ phú Phạm Nhật Vượng chấp nhận không tính 11.000 tỉ lãi vay và khấu hao hàng năm vào giá xe VinFast. 

Tháng 6/2019, Vingroup chính thức khánh thành nhà máy VinFast tại Hải Phòng. Trong năm 2019, những chiếc ôtô VinFast đầu tiên cũng được giao đến tay khách hàng. Hãng ôtô made in Vietnam tiết lộ khả năng sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vinfast

Ngô Thanh Vân trở thành gương mặt thương hiệu của VinFast. (Ảnh: VinFast)

Vào tháng 8, VinFast và FastGo kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, 1.500 xe VinFast Fadil sẽ được đưa vào cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ. Thông qua ứng dụng gọi xe FastGo, người dùng được trải nghiệm xe hơi VinFast.

Tỉ phú giàu nhất Việt Nam cũng chia sẻ với truyền thông khả năng chi 2 tỉ USD đầu tư vào dự án xuất khẩu ôtô điện VinFast và mong muốn bán xe hơi ở thị trường Mỹ trong vòng 2 năm tới.

Từ giữa năm, Vinsmart cũng bắt đầu đưa 4 mẫu điện thoại tới tay người tiêu dùng Tây Ban Nha, thông qua chuỗi 90 cửa hàng MediaMarkt. Ngoài ra, thông qua đối tác Strong Source, điện thoại của Vingroup cũng lên kệ tại thị trường Myanmar.

Vingroup cũng kịp ra mắt những mẫu tivi thông mình đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android TV, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn Samsung, LG và Sony trong những ngày cuối 2019.

VinSmart TV

Những mẫu tivi mới ra mắt của tỉ phú Phạm Nhật Vượng nhận khen ngợi vì giá rẻ nhưng linh kiện chất lượng. (Ảnh: VinsMart).

Bất ngờ Vinpear Air 

Dù giai cuối năm  chứng kiến nhiều động thái dồn dập để tinh gọn lĩnh vực hoạt động, nhưng trong năm 2019, tập đoàn này vẫn cho thấy việc phát triển đa ngành, với nhiều lĩnh vực mới toanh.

Vào tháng 4/2019, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam PVF thuộc Vingroup và doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã chi số tiền khủng để sở hữu 60% cổ phần tại CLB Bóng đá Sarajevo - đương kim vô địch giải quốc gia Bosnia & Herzegovina.

Một tháng sau, Vingroup lại công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận.

Dự kiến trong tháng 3 năm nay, VinBus sẽ cung cấp dịch vụ vận tải tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, với 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất.

Cũng giữa năm 2019, Vingroup lại nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix. Đây là đơn vị tổ chức giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1) tổ chức vào tháng 4 năm nay tại Hà Nội. 

Hiện Việt Nam Grand Prix đã bán vé xem giải đua F1 trong các cửa hàng Vinmart+, với giá vé phổ thông 3 ngày là 1,75 triệu đồng và vé khán đài (popular) 3 ngày với giá 9,09 triệu đồng.

Vingroup F1

Đường đua F1 tại Hà Nội dài tới 5.565 km. (Ảnh: Việt Nam Grand Prix).

Một lĩnh vực mà khá đặc biệt tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng từng khiến thị trường bất ngờ vào giữa năm 2019, là hãng bay Vinpearl Air. 

Theo hồ sơ đăng kí, hãng hàng không Vinpearl Air có vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỉ đồng. Hiện Vingroup gián tiếp nắm 51,65% tỉ lệ tại hãng hàng không này thông qua Vinpearl. Cùng với đó, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation) cũng được thành lập, và đã tuyển sinh 400 học viên phi công.

Hãng bay của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang thực hiện các thủ tục để có thể bắt đầu bay thương mại vào tháng 7/2020, với 6 máy bay thân hẹp. Đến năm 2024 đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc (bao gồm 21 máy bay thân hẹp và 9 máy bay thân rộng). Đến năm 2026, con số này sẽ là 42 tàu bay.