Chân dung ông lớn SK Group và những thương vụ ‘khủng’ đầu tư vào Vingroup, Masan Group

SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, linh kiện công nghệ cao, logistics và dịch vụ. SK Group hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia với doanh thu hợp nhất đạt 184 tỉ đôla tính đến cuối năm 2018.

SK Group: Từ cơ sở dệt may đến tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hàn Quốc

Chân dung ông lớn SK Group và những thương vụ ‘khủng’ đầu tư vào Vingroup, Masan Group - Ảnh 1.

SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. (Ảnh: Wall Street Journal).

SK Group là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất tại Hàn Quốc. Hiện tập đoàn này có 95 công ty con được gọi chung là các SKMS (SK Management System) và hơn 81.000 nhân viên làm việc tại 260 chi nhánh trên toàn cầu.

SK Group được thành lập từ năm 1953, khi người sáng lập ra nó, ông Chey John Hyun mua lại một cơ sở dệt may có tên Sunkyong. Năm 1958, Sunkyong là công ty đầu tiên của Hàn Quốc sản xuất được loại sợi tổng hợp polyester.

Tháng 7/1969, cơ sở dệt may Sunkyong được nâng lên thành công ty thương mại với tên Sunkyong Fibers Ltd, và bắt đầu sản xuất vải sợi tơ tằm.

Năm 1973, Sunkyong đánh dấu bước chuyển mình lớn khi thành lập một công ty khác là Sunkyong Oil, chuyên kinh doanh xăng dầu và dầu mỏ. Cũng trong năm đó, Sunkyong mua lại khách sạn Walkerhill.

Năm 1976, Tập đoàn Sunkyong nhận được giấy phép công nhận là công ty thương mại quốc tế từ chính phủ Ấn Độ. Vào tháng 1/1988, Sunkyong bắt đầu nhập khẩu dầu thô từ Yemen để chế biến và kinh doanh tại Hàn Quốc.

Năm 1998, Ban quản trị tập đoàn đã đổi thương hiệu Sunkyong thành SK Group. Kể từ đó đến nay, SK hoạt động với tư cách là một tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực, với các hoạt động kinh doanh như: công nghệ viễn thông, sản xuất đĩa nhạc và phim (hiện đang hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM YG và JYP), điều chế dược phẩm (SK là nhà phân phối thuốc lớn nhất ở Hàn Quốc), khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại.

SK Group có các công ty con nổi tiếng toàn cầu như: SK Holdings, SK Innovation, SK Telecom, SK Networks, SK Chemical, SKC, SK Securities, SK Gas and SK Hynix. … trong đó, tập trung vào năng lượng và viễn thông là chủ yếu.

Trên thế giới, SK không được biết đến nhiều như Samsung, Hyundai hay LG. Tại Hàn Quốc, công ty này nổi tiếng với các trạm xăng trên toàn quốc và là công ty viễn thông lớn nhất quốc gia này - SK Telecom.

Công ty con SK Hynix là hãng sản xuất chíp lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics. Năm 2014, doanh thu của SK đạt 156,6 tỉ đôla , nhiều hơn General Electric Co. và gần bằng một nửa Exxon Mobil Corp.

SK Group hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia với doanh thu hợp nhất đạt 184 tỉ đôla tính đến cuối năm 2018. Hiện nay, chủ tịch SK là Chey Tae-won, cháu trai nhà sáng lập Chey John Hyun - Chey Tae Won  là người giàu thứ 6 tại Hàn Quốc, với tài sản 3,7 tỉ đôla, theo Forbes.

SK Group đã đầu tư những gì ở Việt Nam?

Chân dung ông lớn SK Group và những thương vụ ‘khủng’ đầu tư vào Vingroup, Masan Group - Ảnh 2.

Với vai trò là đối tác chiến lược của Việt Nam, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục tăng lên trong những năm gần đây.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc.

Kết quả đó có được nhờ sự đóng góp đáng kể của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Hyundai hay SK Group. Ngay từ rất sớm, năm 2003, SK đã đầu tư vào hạ tầng viễn thông Việt Nam với mạng viễn thông S-Fone.

Năm 2007, SK Energy bắt đầu cung cấp dầu diesel cho Petrolimex Việt Nam bằng tàu trọng tải lớn tại vịnh Vân Phong, Khánh Hoà. Từ năm 2008, SK Energy cung cấp thêm xăng RON 95 và sau đó là RON 92.

Năm 2018, SK E&C đã trúng gói thầu trị giá hơn 2 tỉ đôla xây dựng nhà máy polypropylene và polythylene tại Dự án Hóa dầu Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cũng trong năm 2018, SK Group đã bỏ ra 470 triệu đôla để mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan Group. Việc này giúp SK Group trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ 9,5% cổ phần của tập đoàn này.

Mới đây, Vingroup và SK Group cũng đã kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đầu tư khoảng 23.300 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ đôla) để mua cổ phiếu của Vingroup, và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn Việt Nam này.

Theo một số thông tin khác, công ty viễn thông con của SK là SK Telecom, được cho là cũng đang tìm cách tái gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam bằng việc hợp tác với đối tác đầu ngành là Mobifone.

Cụ thể, SK Telecom sẽ cung cấp cho Mobifone giải pháp để thiết kế và xây dựng hệ thống mạng LTE đến năm 2020, đồng thời hợp tác phát triển mạng 5G, IoT (Internet of Things) và các giải pháp giá trị gia tăng khác.



chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.