Kawasaki là bệnh gì và gây biến chứng nguy hiểm như thế nào với trẻ em? | |
Lý do hầu hết trẻ đều thích ngồi kiểu chữ W và khi nào cần phải can thiệp? |
Buổi thảo luận giữa Vụ Sức khỏe Bà mẹ & trẻ em với nhóm chuyên gia Nhật Bản sáng 5/9. |
Tại buổi thảo luận, hai bên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có hướng dẫn nội dung và cách thức sử dụng Sổ theo dõi Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (SKBMTE); phương pháp tổ chức tập huấn tuyên truyền, cũng như chia sẻ các ứng dụng của Sổ với phiên bản điện tử.
BS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đánh giá cao sự hợp tác của đơn vị phía Nhật Bản trong việc hỗ trợ triển khai mở rộng sử dụng Sổ tại Việt Nam. |
Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, Sổ SKBMTE đã được triển khai thí điểm trong nhiều năm dưới sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Kết quả thí điểm từ năm 2011 - 2014 tại 4 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa, An Giang đã cho thấy Sổ là công cụ tiện dụng, hữu ích trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục của bà mẹ và trẻ em, từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi cũng như chăm sóc liên tục từ các cơ sở y tế xã đến bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh.
Việc theo dõi Sổ SKBMTE giúp cho việc theo dõi phát hiện các nguy cơ, bệnh tật, tai biến sản khoa, các dị tật bất thường bào thai, các dấu hiệu bất thường của trẻ nhỏ,…để có hưởng xử lý kịp thời, góp phần giảm tử vong cho cả mẹ và bé.
Sổ cũng đã giúp cho bản thân người phụ nữ, thành viên gia đình, các cán bộ y tế thay đổi rõ rệt về kiến thức, thái độ và thực hành chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nuôi con nhỏ.
Năm 2016, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn áp dụng triển khai Sổ tại các địa phương. Tính đến tháng 6/2017, hiện đã có trên 30 tỉnh, thành phố triển khai sử dụng Sổ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng đưa ra một số hạn chế trong việc mở rộng triển khai Sổ theo dõi SKBM&TE như còn quá ít các hoạt động truyền thông quảng bá để người dân hiểu được nhiều hơn lợi ích của Sổ, các địa phương chưa chủ động triển khai cũng như thiếu kinh phí để in Sổ, việc cấp sổ tại các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế do trình độ dân trí thấp, điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế của người đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn.
Bà Akemi Bando, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ về những kinh nghiệm triển khai Sổ SKBMTE tại Nhật Bản. |
Tại buổi thảo luận, bà Akemi Bando, Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ cuốn sổ theo dõi SKBMTE đã có lịch sử gần 70 năm và nhiều gia đình người Nhật Bản cũng các gia đình ở 40 quốc gia khác lưu giữ nó giống như một cuốn nhật ký cá nhân gắn liền với thời thơ ấu của mỗi đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.
Cũng theo bà Bando, hiện Nhật Bản vẫn đang có khoảng hơn 10% trẻ nhỏ bị thiếu cân, vì vậy sự hợp tác công tư để cho ra mắt các phiên bản Sổ đã có thể giúp các ông bố, bà mẹ theo dõi tình trạng sức khỏe của bé rất tốt.
Bác sĩ Masatoshi Sugita – Phó Khoa Phụ sản, Trung tâm Y tế NTT Tokyo (Nhật Bản) cũng chia sẻ về kinh nghiệm triển khai Sổ SKBMTE và ứng dụng Sổ bằng lời nói phiên bản điện tử trên điện thoại đang được áp dụng triển khai ở Nhật Bản. Theo bác sĩ Sugita, ngoài Sổ theo dõi sức khỏe, những phụ nữ khi mang thai ở Nhật còn được phát một logo “Tôi đang mang thai” để dán trên người, túi xách hoặc trên kính xe hơi giúp giảm thiểu những rủi ro tác động tới các bà bầu.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là công cụ theo dõi và chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi. Sổ gồm có 4 phần: Phần 1 (các thông tin cơ bản), phần 2 (chăm sóc thai nghén), phần 3 (chăm sóc trong đẻ, sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh) và phần 4 (chăm sóc sức khỏe trẻ em). Đối tượng sử dụng gồm bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình (để tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết để tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại nhà và ghi chép kết quả theo dõi vào sổ) và cán bộ y tế (để tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, ghi chép kết quả khám và điều trị cho bà mẹ, trẻ em vào sổ; tham khảo kết quả khám và điều trị các lần trước và các thông tin do gia đình ghi trong sổ...) |