Hai anh em chung nhà trọ, chung xe đạp, quyết tâm vừa học vừa làm để có bằng Đại học. |
Trước đó, trong năm học 2017-2018, Trần Đình Sính (27 tuổi, ngụ thôn Nhì Đông, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng em gái Trần Thị Sương (22 tuổi) cùng đạt giải nhất, nhì học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh.
Á khoa môn Sử
PLVN tìm gặp Á khoa môn lịch sử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đó là Trần Đình Sính, một trường hợp đặc biệt vì em là học sinh của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) TP Huế.
Sính đậu nguyện vọng 1 ngành Luật Kinh tế ĐH Luật (ĐH Huế) với tổ hợp môn C19, Văn, Sử, Giáo dục Công dân tổng 23,5 điểm. Em gái của Sính cũng đậu vào ngành “Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành” (Khoa Du lịch, Đại học Huế) với tổ hợp C00 môn Văn, Sử, Địa tổng điểm 20,5.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, môn lịch sử có 563.013 thí sinh dự thi. Trong đó, có 468.628 thí sinh (chiếm 83,24%) có số điểm dưới trung bình, 1.277 thí sinh bị điểm liệt. Số điểm trung bình toàn quốc của môn này 3,79. |
Hai anh em Sính từng đạt giải nhất, nhì môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh năm lớp 12. Gặp tân sinh viên trường Luật khi em đang phụ bán cà phê. Sính vẫn không tin cả nghìn sĩ tử thi Lịch sử trong toàn tỉnh, có cả học sinh chuyên sử Trường THPT chuyên Quốc học nhưng mình lại “may mắn” đứng nhì.
Sính cho biết: “Từ nhỏ, ba mẹ mở vô tuyến mà có “phim tài liệu” nói về lịch sử nước nhà, những trận đánh, gốc gác của những anh hùng là em tập trung xem tới cuối chương trình, không chớp mắt. Vì điều này nên em đã tò mò, đam mê lịch sử từ nhỏ đến tận bây giờ. Những năm không đến trường, em cũng lấy sách Lịch sử để đọc, xem đó là thú vui của mình”.
Thầy Nguyễn Hà (GV bộ môn Lịch sử của Trung tâm GDNN - GDTX TP Huế) nhận xét: “Năm vừa rồi, đề thi Lịch sử khó, hơn 80% thí sinh trong cả nước điểm dưới trung bình. Thế nhưng, Sính được 8,75 điểm đó là kỳ tích chưa từng có của Trường. Trong quá trình giảng dạy, có những tư duy tôi cũng… học thêm từ em.
Đây là Trung tâm GDTX, đầu vào của học viên rất thấp nên tôi cố gắng dạy hết kiến thức cơ bản. Hiện nay, thi trắc nghiệm, mình có một số mẹo truyền đạt thêm cho các em. Hai anh em Sính rất chịu khó, nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống, lại tình cảm, nên đó là những học trò tôi cưng nhất từ trước đến nay. Vì nhà nghèo, tuổi lại lớn nên các em có hạn chế giao lưu với bạn bè nhưng các em không hề tự ti hay mặc cảm”
Ngày làm thuê, tối đi học
Tân sinh viên dáng cao gầy, đeo cặp kính cận kể về mình, học chưa hết lớp 9 tai họa ập đến với gia đình. Bố của Sính là ông Trần Đình Dũng (57 tuổi) bất ngờ suy nhược cơ thể, không lao động được. Gia đình Sính thuộc diện hộ nghèo từ đó. Bố ốm đau, ruộng vườn ít nên mẹ Sính phải vào tận TP HCM giúp việc nhà, Sính cũng theo mẹ. Vào đó, em làm đủ nghề để mưu sinh từ rửa bát, bán cà phê, phụ quán ăn, phục vụ karaoke… Tuy làm vất vả nhưng không dư giả nên sau năm năm xa xứ, chàng trai này trở về quê.
Về Huế, Sính quyết định quay trở lại đi học. Quê ở huyện Phong Điền nhưng em chọn Trung tâm GDTX thị xã Hương Trà để học lớp 9 vì ở đó em có thể bán cà phê thuê kiếm thêm thu nhập. Sau khi tốt nghiệp THCS, không có tiền, Sính đành nghỉ học đi phụ hồ để dành tiền năm sau học tiếp. Không may em bị viêm dạ dày, phải nằm viện cả tháng trời.
Khó khăn chồng chất nhưng không bao giờ Sính từ bỏ việc học. Năm sau Sính lại tới trường. Vào phổ thông, Sính xác định ba môn thi Đại học nên tập trung vừa học vừa ôn. Ở trường, Sính chăm chú nghe thầy cô giảng bài, ghi chép cẩn thận. Về nhà trọ, Sính học thuộc bài ngay, ghi ý chính để nhớ và dán những nội dung cần học, nội dung ghi nhớ các môn lên tường. Mỗi khi rảnh rỗi Sính nhìn lên để gợi lại bài học.
Hàng ngày, Sính phụ quán cà phê để kiếm tiền mưu sinh, trang trải cho việc học. |
Sính chia sẻ: “Cấp 3, em vào TP Huế để học vì dễ kiếm việc làm thêm. Đêm đi học, ban ngày đi làm. Học bài vào buổi khuya là chính. Em chưa bao giờ đi học thêm nhưng cũng có kết thân với một số bạn các trường công lập. Em mượn vở, hỏi bạn có tài liệu và sách gì hay mượn về nhà trọ đọc thêm”.
Em gái của Sính, Trần Thị Sương cũng vậy. Học hết lớp 7, Sương vào TP HCM làm công nhân may: “Thuở ấy, em nhớ bạn bè, thầy cô, trường lớp lắm. Có nhiều đêm, em đi làm về mà nằm khóc ướt hết cả gối vì nhớ tuổi học trò. Đi xa, cực khổ, làm quần quật cả ngày, lương được nhận không tương xứng với sức lao động nhưng em cố gắng dành dụm để gửi về cho ba ở quê. Sau đó, em quyết định về Huế vừa làm thuê, vừa đi học”.
Lý do Sương chọn ngành Du lịch để học nhằm thỏa niềm mong ước được đi đó đây khám phá các vùng đất mới. Còn Sính học Luật để nâng cao hiểu biết, sau này đòi công lý cho người nghèo.
Còn nhiều nỗi lo…
Để tiết kiệm chi phí, anh em Sính đang ở chung một phòng trọ, ngoài ra đi chung chiếc xe đạp cà tàng. Gia đình Sính có ba anh em, sau Sính là em trai (SN 1994) đang đi làm thuê ở Đà Nẵng. Khi biết tin anh trai và em gái mình đỗ Đại học, cậu này cũng có ý định về quê để đi học lại.
Mẹ của hai anh em là bà Bùi Thị Phúc (53 tuổi) cho biết, ở quê có căn nhà cấp bốn dột nát chồng bà đang ở một mình. Dù hỏng như vậy nhưng cũng không có tiền để sửa sang lại, mỗi mùa mưa đến, bà lo sợ bị sập bất cứ lúc nào.
Khi nghe tin hai con cùng đỗ Đại học, bà Phúc vừa mừng nhưng rất lo, vì không biết lấy tiền đâu cho hai con ăn học. “Tôi giúp việc nhà cho người ta, một tháng dư hai triệu đồng nhưng phải gửi về cho chồng mất 500 nghìn lo thuốc men. Còn 1,5 triệu lo cho hai đứa. Mới vào năm học, học phí hai đứa cả chục triệu, tôi chưa biết xoay tiền đâu để nộp. Giờ cho hai đứa nghỉ học hay một đứa học một đứa nghỉ thì tội các con quá, thôi thì đến đâu hay đến đó. Nguyện vọng của con mình đã đạt được, đó là ước mơ của con nên mình cũng phải cố. Dù nhà không có tài sản gì đáng giá, nhưng có được cái chữ, trả giá nào tôi cũng mãn nguyện. Nếu sau này, vì sức khỏe tôi không đi làm nổi thì anh em phải có đứa nghỉ làm thuê để nuôi đứa khác”, bà Phúc nghẹn giọng.
Sau khi nghe lời mẹ nói, hai anh em ứa nước mắt và hứa sẽ gắng kiếm tiền bằng cách làm thêm ngoài giờ học, miễn là có tiền trang trải kinh phí ăn học để đỡ đần cho mẹ: “Ngoài làm thuê chúng em sẽ cố gắng học thật tốt để có học bổng, đó cũng là cách để mẹ em đỡ khổ”.
Nước mắt xúc động còn chưa vơi, các em lại nở nụ cười nói rằng: “Chúng em không tự ti vì cái nghèo. Chúng em có động lực để mạnh mẽ hơn các bạn, không tủi thân. Mình quá nghèo thì chỉ có con đường học tập mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo mà thôi”.
Ông Lê Văn Thắng (Chủ tịch UBND xã Điền Lộc) xác nhận, gia đình em Sính thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Hàng năm, UBND xã kết hợp với Hội Khuyến học đều tặng quà cho các em đỗ Đại học, Cao đẳng và những em có hoàn cảnh khó khăn: “Hiện xã đang nắm danh sách để phát thưởng cho các em. Trường hợp hai anh em Sính, Sương nghèo, học giỏi, địa phương sẽ nghiên cứu nếu có học bổng nào sẽ ưu tiên cho các em. Tôi cũng mong các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần để các em được tiếp tục đến trường”.
Thạc sĩ Trương Công Bình (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP Huế) cho hay, với Trung tâm việc vận động học sinh đến lớp để đảm bảo sĩ số gặp nhiều khó khăn bởi các em bỏ học từ lâu, hổng kiến thức, kinh tế lại khó khăn. Phần lớn các em đang trong độ tuổi lao động nên hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng như năm nay, có em Lê Ngọc Hùng (23 tuổi) hàng ngày bới cơm, bắt xe buýt 30km tới Trung tâm để học và đậu ĐH Bách khoa Đà Nẵng với số điểm khá cao. Còn em Sính là trường hợp khá đặc biệt, nghỉ học nhiều năm, nhà nghèo, thi Sử đứng nhì toàn tỉnh là quá tốt, nỗ lực đáng được ghi nhận. Thầy giáo Bình cho biết thêm: “Trung tâm dạy 3 khối, khoảng 200 học viên. Số lượng học viên ít, mỗi lớp chừng 30 em. Các em đều học chương trình sách giáo khoa phổ thông. Trong chương trình đào tạo của hệ GDTX, học sinh chỉ học bảy môn, nhưng riêng Trung tâm chúng tôi dạy thêm 3 môn nữa là tiếng Anh, Giáo dục Công dân và Tin học. Những năm trước, bằng tốt nghiệp THPT có 2 loại khác nhau, 1 loại dành cho học viên Trung tâm GDTX và loại dành cho học sinh phổ thông. Nhưng 3 năm trở lại đây, học viên của chúng tôi cũng được cấp bằng chung với học sinh phổ thông. Vì phải thi chung đề như thế, nên đội ngũ giáo viên phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, lấy chất lượng giáo dục làm trọng tâm. 85% học viên Trung tâm tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018. Ngoài ra, vẫn có nhiều em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh như anh em Sính, Sâm đạt giải nhất, nhì. Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục hệ bổ túc được cải thiện. Tôi mong rằng xã hội nên suy nghĩ học bổ túc nếu cần cù, chịu khó vẫn đạt kết quả tốt”. |
Nam sinh nổ súng chết người: Nạn nhân tử vong là cậu họ
Biết mình vừa mới bắn chết người cậu họ, Vi Văn H. đã dùng dao tự sát nhưng cuối cùng được mọi người phát hiện, ... |
Nam sinh Hà Tĩnh chia sẻ bí quyết đỗ thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân
Với ước mơ trở thành một chiến sĩ công an, Trần Dũng Lộc quê ở Hà Tĩnh đã cố gắng học tập và trở thành ... |
Trúng tuyển cùng lúc 5 trường đại học, nam sinh mồ côi cha trăn trở trước ngày học
Xuất thân từ vùng quê nghèo khó, cha mất sớm, mẹ hay ốm đau nên mặc dù đủ điều kiện trúng tuyển cùng lúc 5 ... |