Số phận buồn của một bức ảnh cưới (Ảnh: Webtretho) |
Trên mạng vẫn lưu truyền về số phận những bức ảnh cưới bị cho vào xe chở rác hay dùng để kê bếp như một minh chứng cho cách hành xử với “tàn dư” sau li hôn. Nhân vật trong ảnh luôn cười rạng rỡ, chắc rằng khi họ chụp những bức ảnh đó, họ không thể nghĩ rằng có ngày số phận của nó lại bị vứt vào thùng rác hay kê làm miếng chắn ở bếp ga. Vậy mới nói, hôn nhân như một nắm cát trong bàn tay, mở ra mới biết mất hay còn, khi mọi thứ đã tuột khỏi tầm kiểm soát, thì nhẫn cưới, ảnh cưới hay vợ chồng mới cưới, cũng là thứ cần phải buông bỏ.
Trong một hội nhóm kín trên mạng xã hội có tên “các ông bố bà mẹ đơn thân” có một chủ đề được nhiều người quan tâm đó là: làm gì với nhẫn cưới và ảnh cưới sau khi đã li hôn? Chủ đề này dường như ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi (đa phần là chua chát) của những người trải qua hôn nhân không hạnh phúc. “Ném đi, vứt đi, bán đi, trả lại....” là những ý kiến được cả đàn ông và phụ nữ bình luận, họ kể lại về câu chuyện của chính mình ở trên topic đó. Cay đắng, chua chát, chấp nhận và bao dung... đủ thứ hỉ, nộ, ái, ố họ ném lên diễn đàn đó, kẻ hể hả khi trả được thù tình, người ngậm ngùi vì vẫn còn thương tiếc, người thì băn khoăn không biết nên buông hay giữ...
Nên làm gì với nhẫn cưới và ảnh cưới sau khi li hôn là một câu hỏi nhiều người băn khoăn (Ảnh: Shutter Stock) |
Nên làm gì với “tàn dư” của một cuộc tình không trọn vẹn?
Thực ra, cách bạn hành xử khi bạn bất hạnh nó sẽ phản ánh đúng bản chất của bạn. Đàn ông hay phụ nữ cũng vậy, dẫu còn tình cảm hay đã tuyệt tình thì cũng đã từng là người đầu gối tay ấp, đã từng nguyện đi với nhau đến hết con đường đời. Khi đi chụp ảnh cưới, khi trao nhau chiếc nhẫn cưới, khi mở miệng thề nguyền... sẽ chẳng ai không mơ về một hạnh phúc mãi mãi. Và cho dù là bạn có ân hận đến thế nào, bạn có nói “giá như” đến trăm nghìn lần thì bạn cũng không thể phủ nhận được khoảnh khắc ấy, bạn muốn được an yên bên họ. Thừa nhận được khoảnh khắc hạnh phúc đó, bạn sẽ biết cách giải thoát cho những đau đớn mà bạn đang mang trong lòng khi hôn nhân tan vỡ.
Tan rồi, còn gì đâu mà phải giữ? Hẳn là nhiều người vẫn nghĩ như vậy. Đúng thế, cái gì đã qua thì không nên giữ lại, nhưng dù đúng, dù sai nó vẫn là những minh chứng cho chặng đường đời của bạn, như một dấu mốc mà bạn không thể xóa cho tới lúc chết. Làm gì để những dấu mốc đó không còn là nỗi ám ảnh, đó chính là vấn đề mà bạn cần phải hành xử cho đúng.
Có lẽ, khi chụp bức ảnh này, cặp đôi trong ảnh không bao giờ nghĩ khoảnh khắc hạnh phúc của họ lại trở thành tấm phản để chặn bếp (Ảnh: Webtretho) |
Có nhiều cách cư xử văn minh với những “tàn dư” của cuộc hôn nhân cũ. Với nhẫn cưới, bạn hoàn toàn có thể cất đi để tặng lại cho con của mình nếu bạn có con, hoặc cất đi như một món quà kỉ niệm của một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời mình. Với ảnh cưới, có nhiều người vẫn giữ lại, dù họ cất kĩ và chẳng bao giờ mang ra xem lại, những bức ảnh phóng to treo ở phòng khách thì họ bọc lại và cất đi. Đó cũng là một cách cư xử đáng để người khác học hỏi, thay vì ném nó ra thùng rác một cách tuyệt tình.
Cũng có thể cuộc hôn nhân họ vừa trải qua nó đắng ngoét và xám xịt, đến mức họ không muốn nhìn lại tất cả những “di vật” ám ảnh đó nữa, họ tìm cách bán đi, ném đi hoặc đốt đi. Những hành động đó có thể khiến họ cảm thấy được an ủi hơn khi “tận diệt” một cuộc tình, nhưng họ có thể xóa sạch những nỗi đau ấy từ trong tim hay không, có lẽ chỉ mình họ mới biết. Hả hê sau khi “tận diệt” hết “tàn dư” nhưng nước mắt vẫn rơi khi ai đó nhắc lại chuyện cũ, thì “tận diệt” để mà làm gì? Điều quan trọng nhất không phải là bạn xử lí các “di vật” đó ra sao mà là bạn có thể thanh thản đi qua nỗi buồn đó hay không? Khi mà bạn đã học được cách buông bỏ và bao dung với chính mình, bạn sẽ tự biết cách làm gì với những điều đã cũ một cách chuẩn mực.