(Ảnh minh họa: Báo Giao thông) |
Ngành vận tải sẽ tốn thêm nghìn tỉ
Mới đây, Bộ GTVT đã trình chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đáng chú ý là quy định lắp thiết bị giám sát hành trình cũng chặt chẽ hơn.
Cụ thể, tại điều 12 dự thảo Nghị định có bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe trung chuyển để quản lý chặt chẽ các phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị giám sát hành trình nhằm ngăn chặn tình trạng lái xe cố tình ngắt điện hoặc can thiệp vào hoạt động của thiết bị khi vi phạm.
Ngoài ra, điều 12 cũng bổ sung quy định về các thông tin phải lưu trữ và truyền dẫn gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Theo quy định tại dự thảo, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Đáng chú ý là thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình sau:
Trước ngày 1/7/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ 09 chỗ trở lên.
Trước ngày 1/7/2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc.
Trước ngày 1/7/2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên.
Trước ngày 1/7/2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 3 năm tại máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định.
"Tuy nhiên, nội dung trên có ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải do phát sinh quy định và tăng chi phí cho doanh nghiệp (bao gồm chi phí để đầu tư thiết bị, duy trì và khai thác dữ liệu trong quá trình hoạt động)", Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo Bộ này, nếu quy định trên thành hiện thực thì hơn 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải hiện có sẽ phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có thêm chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe.
Trong khi đó, hiện trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5 - 5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng.
Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị sẽ vào khoảng 1.500 - 1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỉ đồng/năm.
Cung cấp hình ảnh tài xế thực hiện không dễ
Trong dự thảo Nghị định quy định về việc lắp thiết bị giám sát hành trình có điểm mới là phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe.
Được biết, điểm mới này ra đời do Bộ GTVT tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, trước đó, Bộ Tư pháp cho rằng tại Điều 12 dự thảo Nghị định quy định về thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải là cần thiết.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chỉ quy định thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm "Lưu giữ và truyền dẫn các thông tin theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT".
Bộ Tư pháp đề nghị cần quy định rõ yêu cầu về thông tin mà thiết bị giám sát hành trình phải đáp ứng tối thiểu.
"Kinh nghiệm các nước tiên tiến, bắt buộc lắp camera kết nối GPS trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện", Bộ Tư pháp cho hay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, việc lắp thiết bị giám sát là cần thiết để xử lý kịp thời các vi phạm trên đường.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng vấn đề chi phí cần phải quan tâm. Bởi lẽ chi phí vận tải tăng lên sẽ kéo theo nhiều chi phí khác.
Cùng quan điểm với ông Thanh, một chuyên gia giao thông khác cho rằng cần phải lấy ý kiến rộng rãi về việc lắp thiết bị giám sát hành trình có thêm hình ảnh.
"Hiện nay, doanh nghiệp vận tải đã chịu rất nhiều chi phí trên đường. Việc cung cấp hình ảnh tài xế hoặc hành khách trên xe có nhiều ưu điểm nhưng thực hiện không đơn giản.
Ngoài ra, chúng ta có thể thay thế việc dùng hình ảnh dưới dài clip bằng ảnh chụp với tần suất dày lên nhằm tiết kiệm chi phí truyền dữ liệu", vị này cho hay.
Quy định về tĩnh không đối với các công trình cao tầng và xử lý bán 'tài sản vượt ngọn'
Trong thời gian nhiều năm vừa qua, hàng loạt công trình cao tầng được các chủ đầu tư xây dựng vượt quá chiều cao tối đa ... |
Cận cảnh dự án bến xe Yên Sở bị dân chung cư treo băng rôn phản đối
Dự án bến xe Yên Sở đang gấp rút san lấp mặt bằng trong khi bị người dân ở chung cư bên cạnh treo băng ... |