Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất, có nên gửi tiết kiệm thời điểm này?

Chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng dù lãi suất huy động có xu hướng giảm, nhưng gửi tiết kiệm vẫn là kênh tốt và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhất là những kênh khác như chứng khoán, vàng, USD có nhiều bất ổn vì dịch Covid-19.

Sau khi đồng loạt giảm lãi suất, các ngân hàng hút tiền gửi cách nào? 

Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, hiện các ngân hàng đều đã điều chỉnh giảm lãi suất  tiền gửi. Ngoài kì hạn dưới 6 tháng theo "lệnh" của cơ quan điều hành, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh giảm luôn lãi suất huy động với các kì hạn dài.

Khảo sát biểu lãi suất hiện nay cho thấy, nhóm các ngân hàng SHB, Nam A Bank, Bản Việt, Eximbank và ABBank đang dẫn đầu về việc đưa ra lãi suất cao nhất ở nhiều kì hạn để thu hút tiền gửi tiết kiệm. Nhưng điều kiện chung để được hưởng lãi cao nhất của các nhà băng này là số tiền gửi lớn, và áp dụng với các kì hạn dài.

Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động, có nên gửi tiết kiệm thời điểm này? - Ảnh 1.

SHB đang là ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất. (Ảnh: SHB).

Tại SHB, lãi suất cao nhất ngân hàng niêm yết sau ngày 17/3 ở mức 9,2%/năm. Nhưng để được hưởng mức lãi này thì không phải nhiều khách hàng đủ điều kiện. Mức lãi suất ngất ngưởng này áp dụng cho kì hạn 13 tháng, số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Cùng số tiền gửi này, nếu người gửi chọn kì hạn 12 tháng, mức lãi suất là 8,9%/năm. Đây cũng là lãi suất cao nhất toàn hệ thống hiện nay cho kì hạn gửi 1 năm. 

Các kì hạn còn lại với số tiền gửi ít hơn 500 tỉ đồng, mức lãi suất SHB đưa ra chênh lệch khá xa, chỉ từ 6,8-7,5%/năm. 

Sau SHB,  Nam A Bank cũng là ngân hàng có lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, lãi suất cao nhất của Nam A Bank áp dụng từ ngày 17/3 là 8,6%năm, dành cho kì hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kì với khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên.

Thấp hơn Nam A Bank chỉ 0,1 điểm % là Viet Capital Bank. Ngân hàng đang niêm yết lãi suất 8,5%/năm cho kì hạn 13 tháng, và không yêu cầu giới hạn tối thiểu số tiền gửi. 

Đáng chú ý, nếu so với những ngân hàng khác, thì các kì hạn dài của Viet Capital Bank có mức lãi hấp dẫn hơn. Cụ thể, các kì hạn 18-60 tháng, lãi suất huy động đều ở mức 8%/năm và không có điều kiện kèm theo, trong khi những ngân hàng khác tối đa từ 7,5-7,6%/năm.

Cùng niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm hiện nay còn có Eximbank và ABBank. Tuy nhiên, hai ngân hàng này cũng yêu cầu tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên, kì hạn gửi 13 tháng.

Nhiều ngân hàng đưa lãi suất về thấp hơn mức trần của NHNN

Ở các kì hạn ngắn, Ngân hàng Nhà nước quy định từ ngày 17/3, mức tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng tại các tổ chức tín dụng là 0,5%/năm (giảm 0,3%/năm), kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm (giảm 0,25%/năm).

Ngay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã hạ lãi suất kì hạn 7 ngày và 14 ngày về mức 0,5%/năm; kì hạn 1-2 tháng giảm từ 4,7%năm xuống còn 4,3%/năm. Lãi suất kì hạn 3 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm. 

Như vậy, hầu hết lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tại Vietcombank đều ở dưới mức trần quy định.

Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động, có nên gửi tiết kiệm thời điểm này? - Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng không sử dụng hết trần lãi suất cho phép với các kì hạn dưới 6 tháng, là 4,75%/năm. (Ảnh: Thanh Niên).

Cũng như Vietcombank, khá nhiều ngân hàng cũng không sử dụng hết trần lãi suất cho phép với các kì hạn dưới 6 tháng, là 4,75%/năm.

Tại OCB, ngân hàng cũng giảm lãi suất với mức từ 0,2-0,3% ở tất cả các kì hạn. Sau điều chỉnh, lãi suất kì hạn ngắn 1-3 tháng chỉ từ 4,6%/năm.

Tại Sacombank, kì hạn 1 tháng đang áp dụng lãi suất là 4,3%/năm, và nhích dần 0,1%/năm mỗi tháng. Kì hạn 5 tháng, lãi suất 4,7%/năm.

Bản Việt là một trong những ngân hàng luôn có lãi suất huy động cao trên thị trường, nhưng với kì điều chỉnh lần này, nhà băng đang có lãi suất kì hạn 1-5 tháng dưới chỉ 4,7%/năm. 

Lãi suất thấp, có nên gửi tiết kiệm thời điểm này?

Theo khảo sát, không riêng kì hạn dưới 6 tháng, các ngân hàng cũng giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ở các kì hạn dài. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính vẫn cho rằng trong tình hình nhiều bất ổn như hiện nay, gửi tiết kiệm là một kênh đầu tư ổn định, an toàn cho người dân. 

TS. Võ Trí Thành nhận định, sau "lệnh" của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đều giảm lãi suất huy động. Nhưng các mức lãi suất mà nhà băng đang áp dụng hiện nay vẫn đủ sức hấp dẫn, và người dân có thể yên tâm gửi tiền vào ngân hàng. 

Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động, có nên gửi tiết kiệm thời điểm này? - Ảnh 3.

"Trong các kênh đầu tư hiện nay, kênh gửi tiết kiệm là vẫn là kênh đầu tư hiệu quả" - chuyên gia Bùi Quang Tín. (Ảnh: BizLive).

Cùng quan điểm, chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định: "Trong các kênh đầu tư hiện nay, gửi tiết kiệm là vẫn là kênh đầu tư hiệu quả".

Giải thích về nhận định này, TS. Bùi Quang Tín cho rằng chứng khoán hiện không phải là kênh đầu tư phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Bởi nếu nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán, thì nguy cơ rủi ro rất lớn. Ông cho rằng hiện rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xu hướng mới trong tương lai. 

Đối với kênh bất động sản, theo ông Tín, kênh này lại đang có thanh khoản kém. Trong khi đó, lãi suất vay vốn cũng chưa hạ như mong muốn của nhà đầu tư. 

Dịch Covdi-19 cũng khiến 70% doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn cầm cự, tìm đủ cách, trong đó có việc "ngóng" các chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, để trụ qua mùa dịch.

Theo tính toán của TS. Bùi Quang Tín, hiện lãi suất huy động kì hạn dài từ 7-8%/năm, trừ lạm phát 4%, thì người dân vẫn được lãi 3-4%. Theo quy định trần lãi suất cho các kì hạn dưới 6 tháng hiện nay là 4,75%/năm, thì người gửi vẫn có khoản dư nhất định. 

Do đó, tiết kiệm vẫn là kênh có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, khi chứng khoán, vàng, USD luôn nhiều bất ổn.