Ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động sau lệnh của Ngân hàng Nhà nước

Từ hôm nay (17/3), lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống 4,75%/năm. Với các kì hạn dài, dù không bị ràng buộc mức trần, nhưng nhiều nhà băng cũng quyết định điều chỉnh giảm.

Lãi suất dưới 6 tháng chỉ còn 4,75%/năm

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong hôm nay đã ngay lập tức thay đổi biểu lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng và kì hạn dài sau lệnh của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Lãi suất dưới 6 tháng giảm còn 4,75%/năm bắt đầu từ hôm nay, 17/3. (Ảnh: VCB).

Theo đó, lãi suất kì hạn 7 ngày và 14 ngày hiện về mức 0,5%/năm; với kì hạn 1-2 tháng vẫn duy trì ở mức 4,7%/năm. Lãi suất kì hạn 3 tháng từ 4,8%/năm xuống còn 4,7%/năm

Như vậy, hầu hết mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng tại Vietcombank đều ở dưới mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Sacombank, nhà băng này cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ hôm nay. Theo đó, kì hạn 1 tháng có lãi suất là 4,3%/năm, và nhích dần 0,1%/năm mỗi tháng. Đến kì hạn 5 tháng, lãi suất ở mức 4,7%/năm.

Như vậy, Sacombank không sử dụng hết trần lãi suất cho phép với các kì hạn dưới 6 tháng là 4,75%/năm, mà áp dụng theo đường cong lãi suất.

Bản Việt là một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao trên thị trường, nhưng với kì điều chỉnh lần này, nhà băng đang có lãi suất kì hạn 1-5 tháng dưới mức trần, chỉ 4,7%/năm. Riêng lãi suất 6 tháng là 7,2%/năm. 

ACB là một trong số ít ngân hàng sử dụng mức trần 4,75%/năm cho kì hạn gửi 3 tháng. Kì hạn 2 tháng và 1 tháng lần lượt giảm xuống còn 4,55%/năm và 4,5%/năm. Lãi suất kì hạn 6 tháng vẫn duy trì ở mức 6,3-6,6%/năm, tùy số tiền gửi.

Như vậy, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu. 

Lãi suất kì hạn dài cũng giảm mạnh

Không chỉ giảm lãi huy động kì hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, với các kì gửi dài hơn, dù không bị ràng buộc mức trần, nhưng nhiều ngân hàng cũng đồng loạt giảm mạnh.

Tại ACB, lãi suất cao nhất đã giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,45%/năm đối với kì hạn 18-24 tháng, số tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên. Hay với kì hạn 12 tháng, lãi suất cũng giảm từ 7-7,3%/năm xuống còn 6,7-7%/năm, tức giảm tối đa 0,35%/năm.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng và kì hạn dài sau lệnh của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 2.

Ngân hàng Bản Việt thường có mức lãi suất huy động khá cao nhưng hôm nay cũng giảm mạnh ở tất cả các kì hạn. (Ảnh: Bản Việt).

Sacombank cũng cho giảm lãi suất kì hạn 12 tháng, số tiền gửi dưới 200 triệu đồng, từ 6,9%/năm xuống 6,8%/năm. Lãi suất kì hạn 6 tháng với số tiền dưới 200 triệu đồng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm, còn 6,1%/năm. 

Tại Vietcombank, lãi suất các kì hạn dài cũng khá thấp. Như kì hạn 6 tháng và 9 tháng đang ở mức 5,3%/năm. Với các kì hạn dài hơi hơn, lãi suất cao nhất chỉ là 6,8%/năm.

Một số sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm của VPBank cũng giảm từ 0,1-0,15%/năm đối với các kì hạn 18 tháng-36 tháng; lãi suất kì hạn 12 tháng tối đa tại nhà băng này chỉ còn 7,2%/năm, thay vì mức 7,35% như trước.

Nam A Bank cũng điều chỉnh giảm đến 0,3 điểm % lãi suất ở các kì hạn 30-36 tháng, xuống còn 7,5%/năm. Các kì hạn 26- 29 tháng giảm xuống còn 7,5%/năm.

Tại Bản Việt, lãi suất kì hạn 12 tháng giảm 0,1%, xuống còn 7,8%/năm, các kì hạn từ 18 tháng trở lên có lãi suất ở mức 8%/năm.

Giảm mạnh lãi suất trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Tối qua (16/3), Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt quyết định hạ các mức lãi suất. Quyết định có hiệu lực từ hôm nay, 17/3.

Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ đối với các ngân hàng, từ 7%/năm xuống 6%/năm. Ngoài ra, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng và kì hạn dài sau lệnh của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 3.

NHNN giảm lãi suất huy động lẫn cho vay. (Ảnh: Thanh Niên).

Với lãi suất huy động, mức tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng tại các tổ chức tín dụng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 6 tháng trở lên, do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

NHNN cũng quyết định hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với khách vay, để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39, từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra là phù hợp, hỗ trợ hệ thống ngân hàng và  doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn, khi dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. 

Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều nước đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kì (FED) đã lần thứ 2 giảm lãi suất trong tháng, về 0-0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính.