Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất từ ngày mai, 17/3

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tối đa với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Chiều tối nay (16/3), Ngân hàng Nhà nước ban hành loạt quyết định hạ các mức lãi suất. Quyết định có hiệu lực từ ngày mai (17/3).

Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. 

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng, từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Ngoài ra, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi và cho vay từ ngày mai, vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi và cho vay từ ngày mai. (Ảnh: Thanh Niên).

Ngân hàng Nhà nước cũng ra quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.

Lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 6 tháng trở lên, do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với khách vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39, giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0%/năm.

Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô là 1%/năm.

Cùng với đó, mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1%/năm, lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp, và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. 

Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều nước đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành. Cục Dự trữ liên bang Hoa Kì (FED) đã lần thứ 2 giảm lãi suất trong tháng, về 0-0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính. 

Trong nước, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/3 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.