Lãi suất tham chiếu tại Mỹ vừa giảm 1%, về quanh 0% - 0,25%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Đây là lần thứ 2 trong tháng và cũng là thứ 2 kể từ khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất giữa chu kì, nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó trước đại dịch Covid-19.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông "rất vui mừng" với thông báo này, và nói thêm: "Tôi nghĩ rằng mọi người ở các thị trường nên rất lấy làm tuyệt vời".
Fed ra tay nhưng thị trường chứng khoán vẫn ương ngạnh. Hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán đạt mức giới hạn xuống thấp hơn 5%, một động thái được thực hiện bởi sàn giao dịch tương lai CME, nhằm giảm bớt sự hoảng loạn trên thị trường. Không có giá nào có thể giao dịch dưới ngưỡng đó, chỉ ở mức giá cao hơn mức giảm 5%.
Chỉ số công nghiệp trung bình tương lai của Dow Jones đã giảm hơn 1.000 điểm, một mức giảm kỉ lục. Chỉ số S & P 500 và Nasdaq 100 tương lai cũng ở mức thấp. Cả Dow và S & P 500 đều giảm hơn 8% trong tuần trước.
Đáng chú ý hơn, chỉ số Nasdaq Composite đã rơi vào thị trường giá xuống (mất 20% kể từ đỉnh gần nhất).
Chỉ số cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương của MSCI mở phiên sáng nay giảm 2,4% xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2017. Trong khi đó, chỉ số Nikkei đã giảm 0,4%.
Sàn Thượng Hải đã giảm 1,5% ngay cả khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc gây bất ngờ với một đợt thanh khoản mới vào hệ thống tài chính.
Ngân hàng trung ương của New Zealand cũng gây sốc, khi cắt giảm 75 điểm cơ bản xuống 0,25%, trong khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) bơm thêm tiền vào một hệ thống tài chính đang căng thẳng.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed kết hợp với lời hứa mua thêm ít nhất 700 tỉ USD trái phiếu, đã đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm mạnh xuống 0,66%, từ mức 0,95% vào cuối 13/3.
Giá dầu hôm nay cũng giảm, một phần do lo ngại về nhu cầu toàn cầu. Dầu thô Brent cuối cùng đã giảm 1,01 USD, về mức 32,84 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ giảm 60 xu, xuống còn 31,13 USD/thùng.
Fed hạ lãi suất chứng tỏ kinh tế Mỹ bắt đầu thấm đòn, điều này củng cố thêm niềm tin cho các tài sản cư trú an toàn như vàng. Thực tế, trong phiên sáng này, giá vàng đã tăng 0,2% lên mức 1.532,99 USD/ounce.
Về động thái mới của Fed, Bloomberg dẫn lời Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng tại UniCredit, đánh giá: "Thật là một chuyến đi tàu lượn siêu tốc! Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ thấy sự biến động như vậy. Chỉ trong một ngày mà trật tự của những nền kinh tế tăng trưởng cao đã đảo lộn nhiều vòng".
Mặc dù hành động của Fed có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong hoạt động của thị trường, nhưng tin tức về sự bùng phát của Covid-19 đang lan rộng khắp nước Mỹ lại đạp đổ hoàn toàn mọi nỗ lực trên. Số ca nhiễm ở Mỹ đã nhảy vọt lên ít nhất 2.952, và tử vong đến ít nhất 57, theo Đại học Johns Hopkins vào cuối ngày hôm qua.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, chia sẻ với CNBC rằng: "Fed đã dùng súng hạng nặng đối với virus corona. Nhưng tôi lại lo rằng không biết họ còn lại vũ khí gì sau đợt này. Và tôi cho rằng không có khoản tiền nào từ trên trời rơi xuống có thể chữa khỏi loại virus này. Chỉ có thời gian và thuốc mới làm được".
Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng của Prudential Financial, cho biết: "Điều này, cùng với một gói tài chính quan trọng, sẽ giúp khắc phục tác động của virus đối với hoạt động kinh tế. Nó rất tích cực, nhưng thị trường đang chìm đắm trong nỗi lo toan và hoảng loạn vì virus, cho dù các chính sách ngăn chặn có hoạt động hay không".
Các nhà đầu tư đã bán phá giá cổ phiếu trong bối cảnh lo ngại Covid-19 sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và cắn đứt lợi nhuận của nhiều công ty. Các nhà kinh tế tại JPMorgan thấy rõ tăng trưởng âm trong quý đầu tiên, trong khi Goldman Sachs hạ mức dự báo tăng trưởng quý đầu tiên xuống 0,7%.
"Sự lan rộng nhanh chóng của Covid-19 trên toàn cầu đã làm tăng đáng kể tâm lí không chắc chắn của nhà đầu tư, và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Nhìn về phía trước, thị trường có thể sẽ xấu đi trong thời gian sớm thôi", các chiến lược gia tại MRB Partners cho biết.
Nhà phân tích JC O'Hara của MKM Partners cho rằng thị trường có thể đang tiến gần đến đáy, vì tâm lí đầu tư liên tục giảm và tín hiệu kĩ thuật cho thấy "cao trào bán tháo đã gần kề".
Lãi suất chỉ là một yếu tố trong bộ công cụ của Fed. Có dự đoán ngày càng tăng rằng Fed phải và sẽ làm nhiều hơn, để giải quyết thiệt hại kinh tế đến từ virus corona với cả con người và kinh tế.
"Họ đã gây sốc và kinh ngạc với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản, và xem thị trường đã phản ứng như thế nào. Suy nghĩ của thị trường là thật tốt, khi chúng tôi đã được giảm lãi suất, nhưng điều đó sẽ không làm được gì cho nền kinh tế", Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại National Holdings, nhận định.
Hogan nghĩ rằng nó có thể là một sai lầm. Thay vì thực hiện cắt giảm lãi suất lớn, các quan chức có thể triển khai một số biện pháp khác có hiệu quả tương tự, mà không tốn một viên đạn nào để trận sau còn có thể đánh tiếp.
"Họ không có sự lựa chọn nào khác, nhưng điều đó là không đủ. Chúng tôi cần các chương trình tài chính lớn từ ngân khố, mà chắc chắn chúng tôi sẽ nhận được", ông Jeff Mills, Giám đốc đầu tư của Bryn Mawr Trust, chia sẻ trên Bloomberg.
Reuters dẫn lời Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, phân tích: "Đây có thể là một phát súng vào tài sản rủi ro, và giúp giải quyết các vấn đề về thanh khoản. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra câu hỏi liệu Fed có còn gì 'lận lưng' để chống lại virus corona nữa hay không".
Vị này nói thêm: "Chúng tôi thực sự cần phải nhìn thấy một biện pháp mang tính chuyên sâu về tài chính, để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế lâu hơn mức chúng tôi có thể chịu đựng".
Tuy nhiên vẫn có nhiều ánh nhìn lạc quan về Fed.
"Câu thần chú của Fed là tiên phong và năng nổ, vì vậy đây là điều tốt nhất họ có thể làm", Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton cho biết. Nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng cần có thêm hành động từ các cơ quan tài chính. "Điều này là không đủ. Fed đang thể hiện nỗ lực của mình nhiều hơn những gì chính phủ liên bang làm được. Họ chỉ cần một bước đi dài nữa thôi", bà nói.
Trước đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell và các quan chức khác khẳng định vào cuối năm 2018 rằng vẫn còn nhiều khoảng trống để tăng lãi suất ngay cả sau 4 lần tăng trong năm đó. Để rồi sau đó, Fed phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2019, như một phần mà ông gọi là "điều chỉnh giữa chu kì".
Vào cuối năm 2019 và vào năm nay, các quan chức Fed cho biết họ cảm thấy rằng nếu không có sự thay đổi quan trọng nào, thì sẽ không có sự cắt giảm nào nữa.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020