Từ hôm qua (17/3), quyết định giảm một loạt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực. Cụ thể, NHNN giảm 0,5%/năm đối với lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái chiết khấu. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ đối với các ngân hàng từ 7% xuống 6%/năm.
Trần lãi suất huy động đối với tiền gửi không kì hạn giảm 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm; kì hạn từ 1-6 tháng còn 4,75%/năm. Đồng thời, giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm.
Các chuyên gia nhận định, quyết định của NHNN đưa ra thời điểm này là phù hợp. Điều lưu ý là cơ quan điều hành giảm suất đồng loạt không đồng nghĩa với việc đang nới lỏng tiền tệ.
Quyết định giảm lãi suất của NHNN lần này được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm, chỉ trong vòng 2 tuần. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có các động thái tương tự.
Theo các chuyên gia, lần điều chỉnh này của NHNN có thể xem là mang tính chất toàn diện.
Cụ thể, một mặt nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi, chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng qua các kênh...; cắt trực tiếp chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND nhóm ưu tiên.
NHNN cũng hỗ trợ luôn chi phí cho các tổ chức tín dụng qua nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, khẳng định việc giảm lãi suất đồng loạt này của NHNN chưa phải là nới lỏng tiền tệ.
Theo ông, lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn tốt, thị trường liên ngân hàng có lãi suất thấp.
"Bơm tiền ra lúc này, nền kinh tế cũng không thể hấp thụ được, minh chứng cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 2 tháng qua rất thấp. Cho nên, cách thức thực hiện của NHNN hiện tại là rất tốt, gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Về diễn biến tỉ giá sau điều chỉnh giảm một loạt lãi suất, TS. Võ Trí Thành cho rằng nếu nhìn vào nguồn lực và sự điều hành linh hoạt của NHNN trong việc bơm hút tiền đồng, mua vào, bán ra ngoại tệ, có thể đảm bảo tỉ giá không tăng quá mức.
"Chưa kể lãi suất USD là 0% cộng với việc nhà điều hành Mỹ không muốn một đồng đô la mạnh ít nhiều tạo thuận lợi cho điều hành của NHNN trong việc ổn định tỉ giá, ổn định vĩ mô", ông Thành nhận định.
Ngay sau khi điều chỉnh lãi suất điều hành, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho biết quyết định của NHNN dựa trên diễn biến thị trường quốc tế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là áp lực lạm phát giảm bớt đi do giá dầu giảm mạnh.
Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
TS. Võ Trí Thành nhận định NHNN đã rất kịp thời, chủ động hạ lãi suất cùng các biện pháp khác, là bước đi cần thiết, thích hợp ở thời điểm hiện tai, thể hiện sự cẩn trọng của NHNN. Bởi một mặt vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, mặt khác vẫn tạo dư địa ít nhiều để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khi chuyển sang giai đoạn dịch qua đi.
Phân tích kĩ hơn về quyết định của NHNN, TS. Bùi Quang Tín nhận định lãi suất điều hành là một công cụ về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Lãi suất điều hành gồm 3 loại, là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cơ bản.
Theo TS. Bùi Quang Tín, suốt hơn 10 năm qua, ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu. Với lần điều chính lần này, NHNN đã có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ, để có thể phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương các nước.
"Có thể nói, mức độ giảm lãi suất lần này của NHNN khá tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, như lạm phát, tỉ giá. Cụ thể, 2 tháng đầu năm, lạm phát bình quân tăng 5,91%, là cao hơn mức dự trù 4% của cả năm. Việc NHNN giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với mức độ lạm phát, tỉ giá hiện nay, cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác", ông Tín nhận định.
Cũng theo chuyên gia Bùi Quang Tín, việc NHNN giảm lãi suất sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn tốt hơn.
Ông cho rằng lãi suất điều hành lần này chủ yếu liên quan các khoản vay mới, và mục tiêu lớn nhất là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO sẽ giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp đang chờ các động thái mạnh mẽ hơn nữa từ các ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu về vốn rất yếu, bởi hoạt động kinh doanh phát triển rất chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang chờ cơ hội mới, chờ các gói kích thích của Chính phủ, chờ đợt dịch Covid-19 qua đi.
Chuyên gia cho rằng hiện nay, doanh nghiệp cũng đang chờ các gói về giảm thuế, miễn thuế, khoản vay vốn có thể nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn có thể giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện tại, chính sách khoanh nợ, giãn nợ trực tiếp hơn từ các ngân hàng, để doanh nghiệp có thể trụ được giữa dịch Covid-19.
TS. Bùi Quang Tín phân tích các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ở các khoản vay mới và hi vọng lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm đi. Riêng các khoản vay cũ ít bị tác động, bởi các khoản vay cũ thường có sự ràng buộc hợp đồng giữa người đi vay và ngân hàng thương mại là chính.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020