Đến nay, tất cả các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III. Trong đó, 12 ngân hàng niêm yết hàng đầu chiếm 57,6% tổng thị phần tín dụng toàn hệ thống như ACB, BIDV, CTG, HDB, LPB, MBB, TCB, TPB, STB, VCB, VIB và VPB đều đã ghi nhận kết quả kinh doanh tốt. Nhìn chung, tăng trưởng này đến từ việc gia tăng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), đồng thời kiểm soát tốt tỉ lệ nợ xấu.
Xét riêng trong quý III, tổng lợi nhuận trước thuế của 12 ngân hàng này tăng 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 27.000 tỉ đồng. Kết quả trên có được chủ yếu nhờ vào việc kiềm chế chi phí hoạt động và chi phí dự phóng, chỉ tăng lần lượt 7% và 17,8%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của 12 ngân hàng trên đạt 75.000 tỉ đồng trong khi thu nhập hoạt động tăng trưởng với tốc độ thấp hơn, tăng trưởng lần lượt là 25,9% và 17,8% so với cùng kì. Ngoài ra, chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát với kết quả tỉ lệ nợ xấu là 1,75% trong quý III/2019 so với 1,93% cùng kì năm ngoái.
Vietcombankchính là ngân hàng niêm yết làm ăn tốt nhất hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2019.
Ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 17.592 tỉ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 86% kế hoạch của cả năm. Dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 709.128 tỉ đồng, tăng 11,6% so với năm 2018 và hoàn thành kế hoạch 9 tháng. Mức tăng trưởng này cũng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 9,4%.
Một ngân hàng nhà nước khác cũng đạt kết quả kinh doanh tốt là VietinBank.
Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 8.456 tỉ đồng, tăng 11,3%. Riêng quý III, VietinBank tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ấn tượng 34%, đạt 3.121 tỉ đồng. Sự tăng trưởng này chính là thành quả của công cuộc chuyển dịch trong kinh doanh, tăng mạnh tỉ trọng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời củng cố nguồn vốn huy động bền vững và có chi phí thấp.
Không có được kết quả ấn tượng như Vietcombank và VietinBank, BIDV chỉ ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm là 7.028 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kì. Riêng quý III, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 2.319 tỉ đồng, tăng 1,6% so với cùng kì.
Vấn đề lớn nhất của BIDV chính là xử lí nợ xấu. Nợ xấu của BIDV (không bao gồm nợ đã bán cho VAMC) cũng liên tục tăng. Tính đến ngày 30/9, tổng nợ xấu là hơn 22.600 tỉ đồng, tăng 4,7% so với quý II/2019, chiếm tỉ lệ 2,09%, tăng so với mức 1,98% tại thời điểm kết thúc quý II/2019.
Đầu năm nay, Vietcombank và VIB là 2 ngân hàng đầu tiên được chấp thuận áp dụng Basel II, kế tiếp là OCB. Sau đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân lần lượt được chấp thuận Basel II là ACB, VPBank, MB, Techcombank, MSB, HDBank, TPBank, SeABank, Viet Capital Bank, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank. Gần đây nhất, BIDV cũng đã đạt chuẩn Basel II sau khi tăng vốn thành công.
Đáng chú ý là các ngân hàng đang và sẽ tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu Basel II, thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (Vietcombank, BIDV), phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Tháng 7/2019, BIDV đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Các ngân hàng khác như VPBank, TPBank... đang phát hành trái phiếu quốc tế thời hạn dài nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Hiện nay, CAR Base lI của toàn ngành ước đang ở mức 11% (CAR theo Basel II sẽ thấp hơn từ 1-2%).
Một số ngân hàng dự kiến niêm yết trong thời gian tới gồm OCB, MSB, SeABank, ABBank, Saigonbank, Nam A Bank, Viet A Bank.
Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ được áp dụng theo Basel II, thấp hơn quy định 9% hiện tại, nhưng các hệ số rủi ro thì khắt khe hơn nhiều. Đến giữa tháng 12, mới chỉ có 16/38 ngân hàng tại Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
Theo Fitch Ratings, thách thức yêu cầu về vốn theo chuẩn Basel II sẽ khiến những ngân hàng nhỏ trở thành mục tiêu thâu tóm - sáp nhập trong năm 2020.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương, đánh giá, lợi nhuận ngành ngân hàng dần cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, nhất là sau giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu. Tiếp đà tăng trưởng tốt trong quý III/2019, các chuyên gia đưa ra dự báo có phần tích cực đối với triển vọng lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2019 và năm 2020.
Hiện tại, nợ xấu vẫn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 của toàn ngành là 1,98%. Tuy vậy, nếu đi vào từng ngóc ngách của mỗi ngân hàng thì sẽ thấy vấn đề nợ xấu rất đáng ngại, khi có nhiều ngân hàng tăng số lượng nợ xấu, thậm chí có ngân hàng tỉ lệ nợ xấu vượt mức 3% theo quy định. Tiêu biểu như ABBank, 9 tháng năm 2019, nợ xấu tăng từ 1,89% hồi đầu năm lên 3,39%; Nam A Bank cũng tăng từ 1,54% lên 2,37%; VPBank với tỉ lệ nợ xấu ở mức 3,5%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận diện 3 rủi ro khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2020.
Rủi ro đầu tiên là chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và quy định chặt chẽ về vốn giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, áp dụng Basel II sẽ gây ảnh hưởng đến biên lãi ròng và tăng trưởng thu nhập lãi. Thứ 2 là tỉ trọng dư nợ bán lẻ liên tục tăng, trong đó hướng vào cho vay mua nhà vẫn chiếm ưu thế, dẫn đến rủi ro khi ngành bất động sản rơi vào chu kì đi xuống. Cuối cùng là các khó khăn của ngành tài chính tiêu dùng khi lĩnh vực này cho thấy sự bão hòa trong nhu cầu khiến tăng trưởng cho vay có mục đích khó khăn.