Ngành du lịch thế giới điêu đứng vì đại dịch virus corona

Ngày nay, du lịch là ngành kinh doanh khổng lồ và có sự tăng trưởng nhanh qua từng năm. Tuy nhiên, khi dịch virus corona bùng phát đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực lớn đến ngành du lịch thế giới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Sự bùng phát dịch virus corona xảy ra trong Tết Nguyên đán, một trong những mùa du lịch lớn nhất ở châu Á. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lục địa có số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh virus corona cao nhất thế giới. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, khu vực này là nơi chịu thiệt hại nặng nhất. 

Theo dự đoán của những chuyên gia kinh tế của ngân hàng Hà Lan ING cho rằng, ngành du lịch châu Á sẽ thiệt hại từ 105 - 115 tỉ usd trong năm nay. Không chỉ có Trung Quốc, những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Ngành du lịch thế giới điêu đứng vì đại dịch virus corona - Ảnh 1.

Nhiều điểm du lịch tại Trung Quốc đóng cửa vì dịch virus corona. (Ảnh: Reuters)

Do sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, nhiều địa điểm du lịch tại Trung Quốc phải đóng cửa. Một số vùng của Trung Quốc thậm chí đóng cửa tất cả địa điểm du lịch ngay cả khi chưa có trường hợp nhiễm bệnh. Cùng với đó, nhiều chuỗi nhà hàng, khách sạn cũng tạm thời ngừng hoạt động. 

Những năm gần đây, thị trường khách Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng đối với ngành du lịch châu Á. Năm 2019, Trung Quốc ước tính có 142 triệu du khách quốc tế. Người Trung Quốc thực hiện 5,5 tỉ chuyến trong nước và 134 triệu chuyến đi nước ngoài.

Chính vì vậy, khi Bắc Kinh (Trung Quốc) ban lệnh cấm đưa khách du lịch theo đoàn xuất cảnh để tránh lây lan dịch bệnh đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch châu Á. 

Mất đi thị trường khách Trung Quốc cùng với tâm lí lo sợ lây lan dịch bệnh khi đi du lịch đã khiến cho nhiều điểm du lịch trở nên vắng khách. 

Những ngày này, từ chợ ẩm thực, chợ đêm tới đền chùa tại Bangkok, Thái Lan đều vắng tanh. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự đoán lượt khách quốc tế đến quốc gia này năm nay có thể giảm tới 6 triệu lượt còn 33,8 triệu lượt khách. Đây sẽ là mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ước tính lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60%, ngành du lịch thiệt hại 7 tỉ usd. Nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng lao đao, một số hoạt động cầm chừng, có nơi phải tạm ngừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc vì không đủ chi phí duy trì vận hành. Thậm chí, từ lãnh đạo đến nhân viên đã phải chật vật đổi nghề để kiếm thêm thu nhập.

Tại Nhật Bản, chính phủ quốc gia này đã quyết định hủy bỏ lễ hội hoa anh đào 2020, dự kiến tổ chức tại thủ đô Tokyo và Osaka. Bên cạnh lễ hội hoa anh đào, nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại Nhật Bản đã tạm đóng cửa để phòng tránh lây lan dịch bệnh như khu giải trí Tokyo Disneyland và Tokyo DisneySea, công viên chủ đề Universal Studios Japan (USJ), vườn thú Ueno. 

Theo Nikkei Asian Review, thống kê của công ty viễn thông KDDI cho thấy lưu lượng người xuất hiện tại các khu trung tâm và địa điểm du lịch hấp dẫn ở Nhật Bản đã giảm rõ rệt so với năm 2019.

Tại khu phố Asakusa cổ kính tại thủ đô Tokyo, nổi tiếng với ngôi đền Sensoji lâu đời nhất thành phố, số người đi bộ vào dịp cuối tuần và ngày lễ đã sụt giảm 15,5% so với tháng 1/2020.

Con số đó tại quận Umeda, thành phố Osaka - nơi nổi tiếng với những địa điểm mua sắm và ăn uống nổi tiếng đối với du khách Trung Quốc là 15,2%. Hai thành phố Kyoto và Yokohama ghi nhận các con số giảm lần lượt là 14,1% và 9,7%.

Ngành du lịch thế giới điêu đứng vì đại dịch virus corona - Ảnh 2.

(Ảnh: Reuters)

Không chỉ Nhật Bản hủy bỏ lễ hội, hàng loạt sự kiện và triển lãm tại Singapore - nơi sở hữu ngành du lịch trị giá 1,6 tỉ usd - cũng đã bị hủy bỏ để tránh lây lan dịch bệnh virus corona. 

Trên đảo Bali của Indonesia, các chủ khách sạn và homestay báo cáo hàng chục nghìn yêu cầu hủy phòng, nhiều doanh nghiệp chuyên phục vụ khách Trung Quốc trên đảo đã phải đóng cửa.

Vắng khách, quản lí một khách sạn cao cấp ở Bali phải cắt giảm chi phí bằng cách yêu cầu nhân viên mặc quần áo của mình đi làm, thay cho đồng phục. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí giặt ủi đồng phục.

Arik và hai nhân viên tại nhà hàng Mermaid Bay vắng vẻ trên bãi biển Dream Island cho biết: "Chúng tôi không có việc gì để làm. Chúng tôi hi vọng sẽ đón được thêm khách".

Ngay cả tại Australia, những ông lớn trong ngành du lịch đã cảnh báo hàng loạt khách sạn có thể phải đóng cửa nếu lệnh hạn chế nhập cảnh còn kéo dài. 

Những khách sạn tại Cairns hay Bờ Biển Vàng - nơi đón lượng lớn khách Trung, Hàn, Nhật, đang quảng cáo phòng rẻ bằng một nửa giá niêm yết thông thường. Riêng tại Cairns, ngành du lịch ước tính mất 100 triệu usd đến cuối tháng này, viễn cảnh tồi tệ nhất là 1.800 người địa phương sẽ thất nghiệp.

Cũng tại New Zealand, chỉ trong 4 tuần từ ngày 9/2, lượng khách Trung Quốc đến đây giảm 30%. Ngành dịch vụ nhà hàng tại đây dự báo thiệt hại 3,7 triệu usd mỗi tuần vì dịch bệnh. 

Khu vực Âu Mỹ

Thời gian qua, khu vực Âu Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh virus corona. Du lịch châu Âu đã chứng kiến hai đợt sụt giảm du khách nặng nhất chỉ trong hai tháng qua. Lần thứ nhất là đợt giảm khách Trung Quốc khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, và đợt hai mới đây khi virus lan rộng ra khắp châu Âu. 

Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội địa của EU khẳng định, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi virus corona lây lan. Đại diện EU cho biết, ngành du lịch châu Âu mất khoảng 1 tỉ euro mỗi tháng vì đại dịch này.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều khách du lịch có tâm lí lo sợ, hạn chế đến những khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ các nước cũng đã phải đóng cửa nhiều điểm tham quan nổi tiếng và hủy bỏ các sự kiển để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. 

Eduardo Santande, giám đốc Ủy ban Du lịch châu Âu cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người đừng hủy bỏ các chuyến đi mà thay bằng việc hoãn lại".

Ngành du lịch thế giới điêu đứng vì đại dịch virus corona - Ảnh 3.

Bảo tàng Louvre tại Pháp tạm đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh. (Ảnh: AFP)

Tại Pháp, tình trạng sụt giảm du khách đã gây tác động đáng kể khi ngành công nghiệp du lịch chiếm 8% GDP của nước này. Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Marie cho biết, Pháp mất 30 - 40% khách quốc tế kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số lượng đặt chuyến bay từ Trung Quốc đến Paris giảm 80% so với cùng kì từ tháng 2 - 4/2019. 

Pháp sẽ chịu nhiều thiệt hại về kinh tế vì du khách Trung Quốc chi tiêu rất mạnh tay khi tới đây. Năm 2019, 2,1 triệu du khách Trung Quốc đã đến du lịch Pháp, và nước này trở thành quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc thứ 10 trên thế giới.

Bên cạnh Pháp, Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh virus corona. Các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát ở những khu vực dịch bệnh bùng phát bị đóng cửa. Hội chợ Nội thất Milan, sự kiện diễn ra trong tháng 4/2020 và hứa hẹn thu hút hàng nghìn du khách, đã bị hoãn lại đến tháng 6/2020.

Nhiều sự kiện công cộng tại các khu vực bùng phát dịch bệnh, bao gồm cả giải bóng đá Serie A, cũng bị đình chỉ cho đến ngày 1/3. 

Federalberghi, hiệp hội các chủ sở hữu khách sạn của nước này, đã kiến nghị chính phủ giảm thuế trong giai đoạn khẩn cấp. Antonio Barreca, chủ tịch hiệp hội này, cho biết tỉ lệ hủy phòng là khoảng 30 đến 70%, tùy thuộc vào thành phố.

Ngành du lịch thế giới điêu đứng vì đại dịch virus corona - Ảnh 4.

Nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng ở Italy giờ đều vắng vẻ lạ thường do ảnh hưởng của dịch virus corona bùng phát. (Ảnh: AP)

Theo NBC Washington, dịch bệnh đã tác động lên ngành du lịch Mỹ, gây ra thiệt hại ước tính 10,3 tỉ usd đối với các doanh nghiệp. Trong đó một số bang như California, New York và Nevada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính quyền Washington D.C. cảnh báo dịch bệnh có thể khiến thành phố mất hàng chục triệu usd tiền thuế. Đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến lễ hội hoa anh đào - sự kiện thường niên lớn nhất của thành phố, thu hút hàng triệu người tham gia. Thị trưởng thành phố Muriel Bowser hi vọng sự kiện này không chịu bất kì tác động nào.

Elliott L. Ferguson II, chủ tịch quĩ phi lợi nhuận Destination Dc, cho biết đến nay, dịch bệnh vẫn chưa có những tác động lớn đến ngành du lịch trị giá 8 tỉ usd của thành phố. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi nếu các ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng khắp nước và ngành công nghiệp đang mang lại việc làm cho 80.000 người sẽ bị ảnh hưởng.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.