Nghệ sĩ U80 Mai Ngọc Căn: 'Tôi thường bị ăn chặn cát-xê'

Dù biết bị ăn chặn cát-xê, lão nghệ sĩ 78 tuổi vẫn miệt mài làm nghề vì quan niệm đi quay phim vừa vui vừa được du lịch miễn phí, còn hơn quanh quẩn ở nhà không được đồng nào.

Chiều 5/1, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn ăn mặc giản dị đến tham dự buổi họp báo ra mắt phim hài Tết Giàng ơi, bản Tò Ca ở Hà Nội. Khi MC vừa thông báo bắt đầu chương trình, ông đã bước lên sân khấu, không phải để chia sẻ về vai diễn mà là đính chính về danh hiệu “NSƯT Mai Ngọc Căn” trên poster giới thiệu phim.

Nam diễn viên gạo cội bảo ông chỉ được khán giả gọi là “nghệ sĩ của chúng tôi” và không có danh hiệu nào khác. Ngay sau chia sẻ, đoàn làm phim và các khách mời vỗ tay vang dội. Nhiều người đến xin chụp ảnh kỷ niệm cùng nghệ sĩ Mai Ngọc Căn và cuộc trò chuyện với phóng viên chỉ diễn ra khi người hâm mộ xung quanh ông đã sở hữu bức hình ưng ý.

nghe si u80 mai ngoc can toi thuong bi an chan cat xe
Dù biết bị ăn chặn cát-xê, lão nghệ sĩ 78 tuổi vẫn miệt mài làm nghề vì quan niệm đi quay phim vừa vui vừa được du lịch miễn phí, còn hơn quanh quẩn ở nhà không được đồng nào.

"Làm gì có tiền để thực hiện bộ ảnh cưới"

- Cách đây không lâu, bộ ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của vợ chồng ông gây chú ý trong cộng đồng mạng. Không ít người dành sự ngưỡng mộ cho một tình yêu bền chặt suốt nửa thế kỷ. Ông thực hiện bộ ảnh này như thế nào?

- Thực ra, không phải do vợ chồng tôi chủ đích thực hiện. Khi biết chúng tôi tròn 50 năm đến với nhau, một cửa hàng áo cưới đề nghị được thực hiện một clip và bộ ảnh. Bà xã tôi bảo rất hay vì tự nhiên có người đứng ra làm giúp nên nhận lời ngay, chứ thú thực, mình làm gì có tiền mà bỏ ra mấy chục triệu để làm những điều ấy.

Sau khi đồng ý, họ đến nhà tôi hai ngày để trao đổi về nội dung. Bộ ảnh được thực hiện trong một ngày ở Nhà thờ Lớn và một số công viên trên Hà Nội. Bà ấy là giáo viên dạy múa nên khi họ yêu cầu nhảy một điệu đơn giản, chúng tôi làm ngay một điệu tango mà không gặp khó khăn gì.

Thực hiện xong, họ tặng lại vợ chồng tôi bộ vest và váy cưới đó. Được mọi người đón nhận, cặp đôi già chúng tôi rất vui và tự hào.

- Ông thường xuyên nhận được lời mời đóng phim. Nhiều khán giả sẽ thắc mắc tại sao vợ chồng ông lại không đủ tiền để thực hiện một bộ ảnh?

- Bà xã vẫn bảo tôi rằng, nếu ở một số nước, làm nghề đến tuổi tôi bây giờ chắc giàu có lắm. Hàng xóm láng giềng cũng bảo “Ông đi đóng phim nhiều thế, thiếu gì tiền”. Tôi cười đáp: “Tôi có kêu mình không có tiền đâu. Tôi còn phải nghĩ cách để tiêu tiền ấy chứ”.

Tôi xác định đi đóng phim vui là chính. Các em, các cháu có nhớ đến mình mới mời. Đi quay ở đây ở đó coi như là đi du lịch không mất tiền chứ công xá được là bao. Tôi đi từ sáng đến 2h đêm cũng chỉ được một triệu đồng.

Nhiều phim, khi đọc kịch bản, tôi tự đếm cảnh là 20 cảnh, nghĩa là được 10 triệu đồng vì 500 nghìn đồng một cảnh. Nhưng người ta dồn cảnh lại vì mình diễn một lần, cuối cùng chỉ còn 10 cảnh và được 5 triệu đồng cho một bộ phim.

- Nếu đã trả cát-xê theo cảnh thì việc dồn cảnh lại với lý do quay một lần như ông chia sẻ là không đúng. Ông phản ứng ra sao?

- Rõ ràng là ăn chặn. Nhiều lần tôi nói thắng với những người điều hành diễn viên là “Các cháu ăn của bác cũng nhiều đấy nhưng bác đi làm không vì cát-xê”. Quan trọng là mình được vui, chứ quanh quẩn ở nhà thì buồn lắm. Hơn nữa, tôi luôn nghĩ nếu ở nhà mình còn không có một triệu ấy. Đi đóng phim, có cát-xê, có tiền để đi uống cốc bia mà không phải xin tiền vợ.

- Gia đình phản hồi ra sao khi ông miệt mài làm nghệ thuật nhưng thù lao chẳng được bao nhiêu?

- Tôi có 3 người con, 2 trai một gái. Nói chung, tôi yên tâm về các con mà các con cũng yên tâm về tôi. Các anh chị ấy đều trưởng thành cả. Tôi ở với người con lớn, còn hai con thứ đều lập gia đình và sống tại Sài Gòn. Kinh tế của các anh chị ấy cũng ổn định. Cuộc sống bây giờ, mình không phải nuôi ai là hạnh phúc.

Một tác phẩm khắc họa trọn vẹn chân dung của người nghệ sĩ đó là Kép Tư Bền. Nghề này đã chọn vào rồi thì phải chấp nhận không thể chạnh lòng. Nhưng bà xã thì có. Tôi biết nhiều lúc bà ấy cũng phàn nàn. Bà ấy bảo giá làm nghề khác có thể cuộc sống tốt hơn nhưng tôi chịu. Nghề này là như thế, không thể hơn được.

nghe si u80 mai ngoc can toi thuong bi an chan cat xe
Nghệ sĩ gạo cội cho biết ông quen bà xã vì cùng công tác tại một đơn vị. Bà là diễn viên múa trong khi ông là diễn viên kịch.

"Bà xã là người hiền lành, thật thà và dung dị"

- Ông hẳn rất thương bà xã khi đã yêu và lấy một nghệ sĩ?

- Thương chứ, đó là khi tôi đi dạy học khắp nơi từ trường Sân khấu Điện ảnh đến trường Quân đội, thậm chí làm chuyên gia giảng dạy bên Lào, nhưng khi về nhà, tôi không đưa cho bà ấy được đồng nào. Tôi không chơi bời cũng chẳng tiêu pha hoang phí, tôi dành số tiền ấy cho sinh viên.

Sinh viên một thời khổ lắm. Ngày ấy tôi đi dạy, tan lớp vào lúc 11h, sinh viên lại chạy ra ruộng, tìm những khóm khoai còi cọc còn sót lại sau khi thu hoạch, mang về luộc ăn. Nhìn thấy thế, từ hôm sau, tôi quyết định cho sinh viên tan học sớm vào lúc 10h30, để cùng tìm cách cải thiện cho bữa ăn của các em. Tôi bảo với lãnh đạo rằng, tôi chỉ lấy tiền công ít thôi, còn lại để dành cho sinh viên.

Lúc đó, bà xã vẫn tâm sự rằng người ta cũng đi dạy, cũng làm đạo diễn mà có tiền mang về. Tôi bảo người ta khác, tôi khác. Bà ấy nói vậy vì người vợ nào chả vun vén cho gia đình, nhưng tôi biết thực tâm bà ấy luôn ủng hộ chồng.

- Hai người đã quen nhau và bắt đầu tình yêu như thế nào?

- Tôi tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên của trường Sân khấu, 1959-1963. Tốt nghiệp xong, như nhiều thanh niên thời đó, tôi mặc áo lính vào chiến trường. Nhưng sau đó lại được bên công an mời về làm phim Trên vĩ tuyến 17, sau đó là Bình minh trên rẻo cao.

Mấy năm mới làm xong một bộ phim. Làm xong, tôi vào biên chế Đội văn công Công an. Đó cũng nơi bà ấy công tác sau khi học múa từ Trung Quốc về. Chúng tôi quen nhau và bén duyên từ ấy.

Đến với nhau rồi nhưng suốt một thời gian dài, chúng tôi không có điều kiện bên nhau. Bà ấy bên múa, tôi bên kịch, cứ 6 tháng đội múa đi phục vụ mặt trận thì lại đến đội kịch. Thế nhưng, vẫn yêu nhau, không thay lòng đổi dạ.

- Trong cảm nhận của ông, bà xã là người phụ nữ như thế nào?

- Bà ấy giữ được bản chất của một người nông dân: hiền lành, thật thà, dung dị. Thời đó cũng có nhiều người thích tôi lắm nhưng tôi vẫn yêu bà ấy. Người ta bảo không sai chút nào, khi đã yêu ai rồi thì người khác giới xung quanh có xinh đẹp thế nào cũng không mảy may nghĩ ngợi.

- Khi xảy ra bất đồng và mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân, hai người giải quyết ra sao?

- Tôi tạm thời ra ngoài. Khi nguôi ngoai, tôi hỏi lại bà ấy là ai đúng, ai sai. Bà ấy sai thì bà ấy sẽ im lặng thừa nhận. Nói thật, chúng tôi hiểu nhau, những lần bất đồng cũng không hiểu.

Bà ấy là người biết thông cảm. Ngay cả việc hàng xóm láng giềng bảo bà ấy rằng “Sao bà cứ để ông ấy chung giường với hết người phụ nữ đến phụ nữ khác trên phim”. Bà ấy chỉ cười bảo “Đó là công việc của người làm nghệ thuật”.

Về việc cả đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng không có danh hiệu, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tâm sự: “Tòa soạn nào mà đề tên tôi kèm danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, tôi gọi điện đến yêu cầu sửa. Mỗi lần bị ai gọi danh hiệu như thế, tôi cảm giác bị xúc phạm".

"Danh hiệu NSƯT, NSND là dành cho những người tài năng. Danh hiệu đó mang lại niềm vinh quang cho nghệ thuật Nga một thời. Nhiều học trò của tôi được phong NSND, NSƯT, chứng tỏ các em đã trưởng thành, trưởng thành hơn cả thầy, tôi rất mừng. Nhưng ở nước mình nhiều trường hợp phong tặng không thực chất" - nam nghệ sĩ gạo cội nói thêm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.