Người châu Âu học cách thích nghi để sống sau bức tường phong tỏa dập dịch Covid-19

Người dân ở một số thành phố lớn nhất châu Âu đang thích nghi với lối sống mới, khi các chính phủ tại Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan đã tiếp bước Ý, áp đặt lệnh phong tỏa để dập dịch Covid-19.

Virus corona đã và đang lan nhanh trên khắp châu Âu, mà Italy đang là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết ngày 17/3, Italy đã ghi nhận số ca tử vong là 345, nâng tổng số ca tử vong tại ổ dịch lớn thứ 2 thế giới này lên 2.503. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu tăng từ 27.980 lên 31.506.

Trong khi đó, hệ thống y tế của nước này đang đặt trong bối cảnh căng thẳng, và đang lo ngại phải đối phó với sự gia tăng không ngừng các trường hợp mới.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo rằng thiệt hại từ virus sẽ "nghiêm trọng và lan rộng".

Theo thủ tướng Conte: "Cần có một 'kế hoạch tái thiết' đúng đắn. Sau virus corona, mọi thứ sẽ không còn như trước nữa. Chúng ta sẽ phải ngồi xuống và viết lại các qui tắc thương mại và thị trường tự do".

Ông cho rằng không cần thiết phải ban thêm lệnh cấm nữa. Nhưng điều quan trọng là phải tuyệt đối tôn trọng những gì còn đang hiện hữu trước mắt.

Chính phủ Italy cho biết trong chiều thứ Hai, rằng họ có kế hoạch chi thêm 25 tỉ euro, tương đương 27 tỉ USD, để giải quyết các tác động do virus gây ra.

Người dân châu Âu học cách thích nghi với cuộc sống mới sau bức tường phong tỏa - Ảnh 1.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia đang là ổ dịch lớn nhất châu Âu tăng từ 27.980 lên 31.506.(Ảnh: Claudio Furlan/LaPresse via AP)

Tuần trước, chính phủ nước này đã áp đặt các hạn chế trên toàn quốc, để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó bao gồm việc đóng cửa trường học, cửa hàng và dừng các sự kiện thể thao, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ việc đi lại cần thiết.

"Các nhà khoa học nói với chúng tôi rằng, dịch bệnh chưa đạt đến đỉnh điểm, những ngày này, rủi ro là cao nhất và cần phải đề phòng tối đa", Thủ tướng Italy nói. 

Kết quả của việc phong tỏa sẽ được nhìn thấy trong vài tuần nữa. 

Nhà chức trách tại Italy đã đệ đơn khiếu nại 20.000 người chống đối lệnh phong tỏa.

Ở Madrid - Tây Ban Nha, đường phố luôn nhộn nhịp vào tất cả các khung giờ trong ngày và đêm, thì nay vắng tanh, không một bóng người.

Tây Ban Nha ban hành lệnh phong tỏa một phần vào thứ Bảy tuần trước, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Người dân chỉ được phép rời khỏi nhà để đi tới chỗ làm, nhà thuốc hoặc bệnh viện.

Người dân châu Âu học cách thích nghi với cuộc sống mới sau bức tường phong tỏa - Ảnh 2.

Đường phố vắng vẻ tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: Carmen Hanson).

"Bên ngoài quá yên ắng", cô Cassandra Nelson (25 tuổi), một giáo viên dạy tiếng Anh tại trung tâm Madrid, cho biết.

Sau khi trường học của Nelson đóng cửa hôm thứ Tư tuần trước, cô dành phần lớn thời gian giao lưu với bạn bè tại công viên, nhưng công viên cũng đã đóng cửa vào ngày thứ Bảy. 

"Hầu hết nhà ai cũng có ban công, và đó là cách duy nhất để chúng tôi tận hưởng ánh nắng mặt trời. Vì vậy mọi người đều ngó ra ban công suốt cả ngày. Có người hát, chơi nhạc và nhảy. Chúng tôi đang cố gắng sống sót qua những ngày này, để không chết vì buồn chán".

"Tại Madrid, cảnh sát đã phạt 199 người và bắt giữ một người chống đối cách li", Thị trưởng Jose Luis Martinez-Almeida nói với đài truyền hình nhà nước.

Hơn 1.000 lính đã được điều động trên khắp đất nước để thực hiện phong tỏa, khuyên bảo người dân về nhà, trừ khi họ có lí do chính đáng để ra ngoài. Tây Ban Nha đã ghi nhận hơn 7.800 trường hợp mắc virus corona và 292 trường hợp tử vong.

Người dân châu Âu học cách thích nghi với cuộc sống mới sau bức tường phong tỏa - Ảnh 3.

Khu thương mại La Defense, Paris, vắng bóng người vào thứ Hai. (Ảnh: The New York Times).

Quan chức y tế hàng đầu của Pháp cảnh báo vào hôm thứ Hai rằng, nước này đang đấu tranh để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

"Rất nhiều người đã không hiểu rằng họ cần phải ở nhà. Và mức độ mọi người tuân thủ thấp có nghĩa là chúng tôi không thành công trong việc kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh", ông Jerome Salomon nói với đài phát thanh France Inter hôm thứ Hai.

Ông nói thêm, sẽ là "thảm họa" nếu Pháp đi đến giai đoạn phải quyết định cứu sống bệnh nhân này hay bênh nhân kia. Đất nước này hiện có hơn 5.400 trường hợp nhiễm, và 127 người đã chết. 

Lệnh của chính phủ về việc đóng cửa các nhà hàng, quán bar và rạp chiếu phim đã có hiệu lực vào Chủ nhật tuần trước, các quan chức kêu gọi người dân dừng các hoạt động không quan trọng.

Sáng Chủ nhật, các quán cafe vỉa hè tại Paris yên ắng. Những chiếc ghế không người ngồi, sự vắng bóng của khách du lịch và những người dân địa phương thường ngồi tán gẫu, đã tạo nên một khung cảnh đìu hiu. Tại nhà hàng và quán cafe mái vòm nổi tiếng, một tấm biển đơn điệu được dán vào cánh cửa chạm trỗ bằng đồng, đi kèm dòng chữ: "Đóng cửa do dịch Covid-19".

Một số nhà hàng đóng gói đồ ăn mang về cho khách, vì hình thức này vẫn được cho phép. Nhưng người ta vẫn đang ám ảnh trước một Montparnasse luôn nhộn nhịp, giờ lại yên tĩnh đến lạ thường.

Tag: