Người dân Hà Nội chen chúc trong ngày đầu giảm tuyến buýt phòng dịch Covid-19

Ngày 27/3, Hà Nội bắt đầu thực hiện giảm 80% tuyến xe buýt theo quyết định của UBND TP. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc nhiều người dân chen chúc trên các chuyến xe khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
Cảnh chen chúc trong ngày Hà Nội giảm tuyến xe bus để phòng dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Xe buýt tại Hà Nội sáng nay. (Ảnh: Xe Bus Confessions).

Trước lo ngại việc sử dụng giao thông công cộng có thể tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội đã quyết định cắt giảm 80% công suất hoạt động của tất cả các tuyến xe buýt trên địa bàn từ ngày 27/3 đến 5/4.

Cụ thể, tần suất hoạt động còn 40 -60-90 phút/lượt, từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối. Trong khi trước đây là 5 -10- 15 phút/chuyến, từ khoảng 5h00 - 22h30.

Nhiều người dân cho biết, lượng xe đến các điểm buýt đã giảm rất nhiều, nhiều mất gần 1 giờ mới đón được xe buýt.

Theo quan sát, dù hành khách đã giảm nhiều do hạn chế sử dụng phương tiện công cộng nhưng do lượng xe buýt giảm 80% nên các chuyến vẫn rất đông, khoảng 30-40 người/chuyến.

Cảnh chen chúc trong ngày Hà Nội giảm tuyến xe bus để phòng dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Việc chen chúc trên xe buýt sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. (Ảnh: Xe Bus Confessions).

Bà Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có việc cần thiết nên bắt xe buýt 02 từ Hà Đông lên Tây Sơn. Trước đây, tôi chỉ đợi một lúc là có xe, nhưng hôm nay phải đợi gần 1 tiếng. Mọi người đều đeo khẩu trang nhưng xe khá đông khiến tôi có chút lo lắng".

Nhiều hành khách khác cũng cho biết, do giảm tuyến nhưng nhu cầu đi lại của người dân vẫn còn nên các xe khá đông và mọi người đứng gần nhau nên khả năng lây bệnh vẫn rất cao.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết: “Hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện giảm 80% lượng xe buýt chạy trên đường nên một phần người dân chưa nắm được thông tin lượng xe giảm. Khi giảm xe đột ngột như vậy thì sẽ nảy sinh một số bất cập như đợi lâu hơn, thời gian chờ đợi kéo dài, số lượng người lên xe đông hơn so với khuyến cáo 20 người trên xe".

Cảnh chen chúc trong ngày Hà Nội giảm tuyến xe bus để phòng dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 1.200 chiếc với 124 tuyến, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã. (Ảnh: Xe Bus Confessions).

Thực tế cho thấy, dù tất cả các cơ sở giáo dục tại Hà Nội đã tạm dừng hoạt động thì học sinh, sinh viên không phải là đối tượng duy nhất thường xuyên sử dụng xe buýt. Có rất nhiều người lao động và người cao tuổi lựa chọn phương tiện công cộng này để di chuyển do chi phí rẻ, nhiều ưu đãi và thuận tiện.

Năm 2019, xe buýt Hà Nội đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế đáng kể phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô.

Do đó, việc đột ngột cắt giảm số lượng lớn tuyến xe buýt ở Hà Nội dẫn đến việc chen chúc sáng nay là hoàn toàn có cơ sở.

Nhiều người dân cho biết, nên cắt hẳn 100% chuyến để hạn chế người dân sử dụng phương tiện công cộng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Tuy nhiên, một số khác cho rằng xe buýt lại là phương tiên không thể thiếu đối với họ.

Cảnh chen chúc trong ngày Hà Nội giảm tuyến xe bus để phòng dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng xe buýt để tham gia giao thông, người dân buộc phải tuân thủ các qui định và khuyến cáo của Bộ Y tế. (Ảnh: Xe Bus Confessions).

Người dân nên cố gắng hạn chế sử dụng phương tiện công cộng vào thời điểm này

Theo ông Hải, khi hành khách lên xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt có 2 việc là phải hướng dẫn hành khách tuân thủ trật tự và vệ sinh trên xe bằng cách đeo khẩu trang,... và hướng dẫn hành khách ngồi đúng cự li an toàn.

Việc thứ hai là số người trên xe không vượt quá 20 người ở mỗi thời điểm. Trong trường hợp, hành khách nhiều thì nhân viên phục vụ trên xe báo về trung tâm để bố trí xe tăng cường ở chỗ đông người.

Ông Hải mong muốn, bà con nhân dân chia sẻ với Chính phủ và thành phố cùng phòng chống Covid-19, cũng như tự chủ động điều tiết đi lại của mình để phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, người dân nên ở nhà trong thời gian cao điểm này. Nếu cần thiết phải ra ngoài thì cũng không nên chọn phương tiện công cộng. Trong trường hợp bắt buộc sử dụng xe buýt, người dân buộc phải tuân thủ các qui định và khuyến cáo của Bộ Y tế.

Để cập nhật đến lịch xuất bến mới của các tuyến buýt sau khi có thông báo về việc cắt khung giờ hoạt động và giảm tần suất trên tuyến, hành khách đi xe buýt có thể tải phần mềm "Tìm buýt" trên thiết bị di động hoặc ứng dụng "Tìm đường xe buýt" trên máy tính.

chọn
Đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển qua huyện Nam Trực sau 16 tháng thi công
Tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển đang xây dựng qua huyện Nam Trực thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Hồng Quang, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Thanh.