Theo ví điện tử Moca, đây là quy định trong Thông tư 23/2019 của Ngân hàng Nhà nước. Nhằm tạo ra một nền tảng thanh toán an toàn, giảm thiểu rủi ro gian lận, trộm danh tính, rửa tiền và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Cụ thể, Thông tư quy định tất cả người dùng ví điện tử phải cung cấp các giấy tờ như căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, và liên kết tài khoản ví điện tử với tài khoản ngân hàng của mình.
Sau ngày 7/7/2020, những tài khoản ví điện tử chưa được xác thực sẽ bị tạm khóa, và người dùng chỉ có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn thành xác thực.
Toàn bộ quá trình xác thực trên ví Moca chỉ mất vài phút, thậm chí nhanh hơn nếu người dùng đã kích hoạt và sử dụng ví trước đó. Moca khẳng định toàn bộ thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật với việc áp dụng các công nghệ đạt tiêu chuẩn.
Trong thời gian tới, Moca sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc hoàn thành xác thực tài khoản ví điện tử.
Bên cạnh đó, tổng đài của Moca hoạt động 24/7 để kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dùng trong quá trình thực hiện xác thực tài khoản.
Đến nay, trên thị trường gọi xe Việt Nam, chỉ có Grab là hãng duy nhất sở hữu riêng một nền tảng thanh toán điện tử là ví Moca.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, hiện Momo, Moca và ZaloPay được đánh giá là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam, chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử.
Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kì. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.