Không khí Tết đã bao trùm khắp các nẻo đường tại làng hoa Tây Tựu - làng hoa truyền thống của Hà Nội với những thửa ruộng cúc vàng rực, những vườn hoa ly thơm nồng và cả những giọt mồ hôi của người trồng hoa nơi đây.
Để chuẩn bị cho vụ Tết, gia đình ông Nhân tại Liên Mạc (Hà Nội) đã phải bắt đầu công việc ươm giống những vườn cúc vàng từ tháng 8 Âm lịch. Gia đình ông Nhân đang canh tác khoảng 10 sào hoa cúc vàng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhân chia sẻ: "Năm nay nắng nhiều quá nên hoa bung nở sớm. Không canh đúng Tết được". Theo đó, hoa cúc bán trước Tết thì người nông dân thường phải chịu lỗ 30% - 40% so với những lứa hoa thu hoạch đúng vào dịp Tết nguyên đán.
Với mỗi sào hoa cúc vàng, người dân tại đây thường đầu tư 6 -7 triệu đồng, với thời gian canh tác dài 4 tháng.
Theo ông Nhân, đây là giống cúc kim cương, cánh hoa dầy hơn, hương thơm hơn, tươi lâu hơn chứ không mỏng cánh như giống hoa cúc tàu. Do đó, chi phí mua giống hoa cũng đội lên khá nhiều. "Khách hàng càng ngày càng sành. Nếu ngày xưa chỉ cần là hoa cúc, miễn cúc nào cũng được, thì nay phải cúc sang, đẹp người ta mới chơi", ông Nhân cười nói.
Để điều chỉnh nhịp độ nở hoa, những người trồng cúc tại Tây tựu sẽ sử dụng những chiếc bóng đèn như thế này để sưởi ấm cho hoa. "Thường sẽ thắp đèn trong khoảng 1 tháng để có kết quả, giúp hoa nở đẹp như ý".
Bên cạnh những ruộng hoa nở trước Tết và phục vụ thị trường Tết thì người dân tại đây cũng đã bắt đầu gieo trồng cho vụ mùa xuân, với những thửa ruộng hoa phục vụ Rằm Tháng Giêng, hay phục vụ nhu cầu thị trường hội hè sau Tết.
Người trồng hoa gọi đây là những "của để dành".
Anh Trường, một người trồng cúc lâu năm tại Liên Mạc (Hà Nội) cho hay, thời tiết năm nay nắng ấm quá, dự đoán là sẽ không thể "ăn" vụ Tết, nên gia đình anh gieo giống muộn hơn, với mục tiêu phục vụ thị trường Rằm tháng giêng là chủ yếu.
Trong khi đó ông Nhân đã phải dựng lều tạm ngay giữa ruộng hoa để chống trộm. "Làm quanh năm chỉ trông vào một vụ như này, sơ sẩy một chút là mất Tết ngay", ông Nhân chia sẻ.
Một số thương lái đã tìm đến vườn để trả giá. Năm nay nắng sớm, lượng cung hoa Tết dự báo sẽ không được nhiều, nên giá hoa cũng tăng nhẹ so với mọi năm. "Rất ít vườn còn hoa dự trữ để bán trong Tết, đa phần đều không giữ được, nở sớm hết cả", ông Tân, một thương lái ngán ngẩm.
Bên cạnh hoa cúc vàng, ít được quan tâm hơn là loại hoa cúc trắng, cũng đang được người trồng chăm sóc, thu hoạch phục vụ Tết.
Đầu tư vào cúc trắng rẻ hơn so với cúc vàng. Với mỗi sào cúc trắng, người nông dân tại đây chi khoảng 5 triệu đồng cho giống, phân, thuốc...
Anh Phương, Liên Mạc (Hà Nội), chủ nhân của 6 sào ruộng cúc trắng nhẩm tính năm nay gia đình anh thu về khoảng 80 - 90 triệu đồng. "Hoa Tết năm nay khan hiếm nên giá chắc sẽ cao hơn so với mọi năm", anh Phương nói.
Bên cạnh những thửa ruộng hoa cúc vàng là những mẫu ruộng hoa ly rộng bát ngát cũng đang vào mùa thu hoạch Tết.
Những bông ly được cắt gọn gàng, bó thành từng bó, bọc trong nilon, ngâm trong thùng nước cho tươi chờ thương lái đến mua. "Với mỗi bó hoa ly như này, chúng tôi được trả với giá khoảng 200.000 đồng. So với năm ngoái thì giá năm nay vẫn vậy, không hơn được là bao", chị Toanh, Tây Tựu (Hà Nội) cho biết.
Với hai sào hoa ly, gia đình chị Toanh đã phải đầu tư số tiền lên tới 70 triệu đồng. Không kể công chăm bón ròng rã suốt hai tháng trời.
"Tuy vậy, có khi chẳng lời được là bao mà chủ yếu hoà vốn là chính", anh Trường, chồng chị Toanh cười nói.
Trên khắp các nẻo đường làng hoa, người nông dân đang tấp nập chở hoa về mang sắc xuân đến với mọi vùng của Tổ quốc.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020