Người Việt dành trung bình bao nhiêu tiền để sắm Tết?

Nhiều người cho biết ngay cả khi không phải sắm quá nhiều đồ dùng mới cho gia đình hay đi du lịch thì chi phí cho những ngày Tết cũng khó ở mức dưới 10 triệu đồng.

Câu chuyện mua sắm ngày Tết ở Việt Nam đã không còn quá nặng nề khi cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy. Nhiều bà nội trợ cho biết mặc dù không phải mua quá nhiều đồ đạc mới trong gia đình, vẫn có quá nhiều thứ cần phải chuẩn bị, chính vì vậy, khoản chi tiêu ngày Tết càng ngày càng cao.

Riêng bánh kẹo, cây cảnh đã khoảng 10 triệu

Khi được hỏi về việc chuẩn bị mua sắm ngày Tết, chị Mai (49 tuổi) sống tại Hà Nội thở dài: "Mình sợ Tết lắm, mặc dù đồ dùng mới thì hiếm khi phải mua, vì đã sắm sửa quanh năm, không thiếu thốn gì nhưng vẫn còn vô số thứ phải tính toán".

Trước mỗi dịp Tết, chị Mai cho biết mình thường dành tiền chủ yếu vào việc mua quà Tết, bánh kẹo, mua hoa, cây cảnh trang trí trong nhà. Với quan niệm ngày xuân phải có nhiều hoa tươi để đón một năm mới rực rỡ, nhiều tài lộc, chị Mai chia sẻ: "Chỉ một chậu lan đẹp đã có giá từ 4 - 5 triệu đồng, cành đào và quất mỗi loại cũng khoảng 1 triệu đồng, chưa kể đến hoa tươi và bánh kẹo các loại. Tính nhẹ nhàng đã khoảng 10 triệu".

Người Việt dành trung bình bao nhiêu tiền để sắm Tết? - Ảnh 1.

Những quả bưởi chữ tài, lộc cũng được bán 500.000 đồng/quả trong dịp Tết Canh Tý. (Ảnh: Phương Lâm).

Bên cạnh đó, chị Mai cũng cho rằng chi phí mua quà biếu Tết cũng tốn kém, đặc biệt là với gia đình làm ăn thì quà Tết dành cho đối tác càng nhiều.

"Tiền quà Tết thì khó tính toán nhưng theo như mọi năm là khoảng 10 triệu. Ngoài ra, mình cũng để thêm 5 triệu để mừng tuổi trẻ nhỏ", chị nói thêm.

Trong tháng Tết năm 2019 vừa qua, sức mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 46.000 tỉ đồng, cao nhất trong 3 năm liên tiếp, theo báo cáo của Kantarworldpanel. Ở cả nông thôn và thành thị, 33% sản phẩm tiêu dùng được mua với mục đích làm quà biếu.

Chi nhiều cho tiền du lịch, tiền biếu gia đình

Bài toán chi tiêu ngày Tết không chỉ dành cho người đã lập gia đình mà cũng là một khoản chi lớn của những người độc thân.

Minh Hằng (23 tuổi) không khỏi giật mình khi nhìn vào danh sách những khoản phải dành ra cho dịp Tết Canh Tí sắp tới. Là nhân viên của một công ty IT ở TP HCM, Hằng nhận định mặc dù mức thu nhập có thể nói ở mức tạm ổn, số tiền cần dùng để tiêu Tết là khá lớn.

"Mình dự định sẽ biếu bố mẹ 5 triệu, mua quà cho gia đình và họ hàng khoảng 5 triệu đồng, 3 triệu để mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ. Mặc dù cũng không phải mua quá nhiều thứ nhưng mình là con gái thì cũng cần chăm chút lại bản thân nên cần thêm 3 - 4 triệu cho khoản này nữa. Vậy tính sơ sơ tiền chi tiêu dịp Tết này đã gần 20 triệu đồng nếu tính thêm cả tiền đi lại", Hằng nói.

Người Việt dành trung bình bao nhiêu tiền để sắm Tết? - Ảnh 2.

Nhiều người chi tiêu mạnh tay vào các chuyến du lịch dịp Tết. (Ảnh: Chính Phong).

Tương tự, dù vẫn còn độc thân, Hải Anh (26 tuổi) ở TP HCM cho biết mỗi dịp về quê ăn Tết với gia đình, anh cũng dành ra 5 - 10 triệu đồng để biếu bố mẹ, mua thêm một vài món quà Tết cho họ hàng.

Ngoài ra, có những năm muốn thay đổi không khí, Hải Anh lại đi du lịch vào dịp Tết. "Nếu Tết đi du lịch thì mình vẫn sẽ gửi tiền về cho gia đình làm quà. Song, khoản chi tiêu khi đi chơi cũng khá tốn kém, thường ở mức 7 - 10 triệu nếu du lịch trong nước hoặc 10 - 25 triệu nếu đi chơi ở các quốc gia châu Á", Hải Anh nói thêm.

Người Việt tiết kiệm nhưng thoáng tay dịp Tết

Chia sẻ thêm về chuyện đi du lịch dịp Tết, chị Mai cho biết cũng đã có những năm vợ chồng chị quyết tâm tự thưởng cho cả nhà một chuyến nghỉ ngơi, không vướng bận đến cỗ bàn, tiếp khách... Thế nhưng, những năm ấy lại thường phải chi tiêu nhiều hơn.

"Nếu Tết không ở nhà được thì cần phải mua quà biếu từ sớm, trung bình khoảng 20 triệu tiền quà. Ngoài ra, tiền đi du lịch cho bốn người cũng khá lớn, khoảng 50 - 70 triệu đồng cho chuyến đi 5 ngày", chị giải thích.

Có thể thấy không ít người Việt sẵn lòng chi tiêu mạnh tay vào dịp Tết, thậm chí nhiều hơn thu nhập hàng tháng của mình. Tuy nhiên, các báo cáo về hành vi tiêu dùng cho thấy người Việt lại nằm trong nhóm quốc gia tiêu dùng tiết kiệm trong hoạt động chi tiêu thường ngày.

Báo cáo về niềm tin người tiêu dùng của Nielsen quý II/2019, chỉ ra Việt Nam vẫn là quốc gia có người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm nhất khu vực. Trong quý II, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong top 2 thị trường có xu hướng tiết kiệm cao nhất (69%), chỉ xếp sau Hong Kong (70%).

Trong những tháng đầu năm, xu hướng mua sắm của người Việt cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đã chi tiêu ít hơn vào quần áo mới (-9%), giải trí bên ngoài (-6%), sản phẩm công nghệ mới (-8%) và nâng cấp/ trang trí nhà cửa (-8%), thay vào đó là dành tiền cho tiết kiệm và du lịch.



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.